Với xu hướng tăng cường chiến hạm ở khu vực và tình trạng tranh chấp trên biển leo thang, trực thăng ngày càng được hải quân các nước ưa chuộng.
Trực thăng chống tàu ngầm SH-60K của Nhật Bản - Ảnh: Airliners |
Lâu nay, trực thăng được xem là khí tài lý tưởng để đi kèm tàu chiến nhờ khả năng cất/hạ cánh từ sàn tàu nhỏ, chở binh sĩ và tìm kiếm người sống sót cũng như năng lực chống ngầm và cảnh báo sớm rất lợi hại.
Những ưu điểm này càng khiến trực thăng hải quân trở nên đặc biệt quan trọng hơn ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang chứng kiến tình trạng căng thẳng trên biển, theo chuyên trang quốc phòng DRA của Singapore.
Những đại gia Đông Bắc Á
Đông Bắc Á hiện là nơi các bên đua nhau trang bị trực thăng cho hải quân vì giữa Hàn Quốc - Nhật Bản - Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo và nước nào cũng đang ra sức mở rộng đội tàu chiến. Theo DRA, Trung Quốc đang phát triển một phi đội trực thăng hải quân để tăng cường sức mạnh ở Biển Đông và biển Hoa Đông với chủ lực là các loại Z-8 và Z-9.
Trực thăng lớp Z-9C được trang bị radar, sonar và ngư lôi. Một số chiếc Z-9C cải tiến còn được trang bị tên lửa chống hạm và súng máy 12,7 mm. Trong khi đó, Z-8 chuyên dụng tìm kiếm cứu hộ và chở quân nhưng phiên bản cải tiến Z-18F được cho là có khả năng tác chiến chống tàu ngầm cũng như cảnh báo sớm trên không.
Dĩ nhiên, Nhật Bản cũng không ngồi yên. Theo DRA, Lực lượng Phòng vệ trên biển nước này (MSDF) đang được trang bị các trực thăng chủ lực bao gồm SH-60J chuyên tìm kiếm cứu hộ và SH-60K với năng lực chống ngầm lẫn tàu chiến nổi vượt trội. Trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2016, bắt đầu từ tháng 4 Bộ Quốc phòng Nhật muốn mua thêm 17 chiếc SH-60K để trang bị trên khu trục hạm JS Izumo, tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ sau Thế chiến 2. Bên cạnh đó, MSDF trong năm nay dự kiến bắt đầu vận hành trực thăng được trang bị hệ thống săn thủy lôi MCH-101 để thay thế 11 chiếc S-80M-1 đã lỗi thời. Trước đó, Nhật đã lên kế hoạch chi 395 triệu USD để phát triển 80 trực thăng nội địa sau năm 2022.
Tương tự, Hàn Quốc, có tranh chấp trên biển với Trung Quốc lẫn Nhật Bản, đang thực hiện chương trình nâng cấp đội trực thăng hải quân, DRA dẫn các nguồn tin từ Seoul cho hay. Hải quân Hàn Quốc đang sử dụng 25 chiếc Super Lynx do Anh sản xuất, nhưng sẽ sớm thay thế bằng phiên bản mới AW159 Wildcat để hoạt động trên các tàu hộ vệ. Đến năm 2023 sẽ có thêm 40 trực thăng vận tải Surion hoạt động trên các tàu đổ bộ tấn công lớp Dokdo của hải quân Hàn Quốc.
Một “tay đua” khác là Đài Loan cách đây vài tháng tiết lộ ý định cải tiến 17 chiếc trực thăng S-70C chống ngầm, đồng thời mua thêm 10 chiếc SH-60R Seahawk có chức năng tương tự từ Mỹ.
Đông Nam Á tập trung chống ngầm
Với tình hình ngày càng phức tạp ở Biển Đông, các thành viên ASEAN, bao gồm cả những nước không tham gia tranh chấp, cũng bị cuốn vào cuộc đua trực thăng hải quân. Chẳng hạn, hải quân Philippines vừa đưa vào biên chế 5 chiếc AW109E đa năng để thực hiện nhiều nhiệm vụ từ bảo vệ an ninh biển đến tìm kiếm cứu hộ, và sắp nhận thêm 2 chiếc chuyên chống ngầm, theo DRA.
Cách đây gần 2 tháng, Indonesia đặt mua 11 trực thăng AS565 Mbe chống ngầm của Pháp để bảo vệ vùng biển Natuna thuộc Biển Đông. Số trực thăng mới được giao trong vòng 3 năm, sẽ hoạt động trên các khinh hạm lớp Sigma và Bung Tomo. Trong khi đó, hải quân Malaysia đang chờ phê duyệt khoản ngân sách 2,86 tỉ USD để mua 6 trực thăng chống tàu ngầm và 8 khinh hạm từ nay đến 2020. Lực lượng này đang sử dụng 6 chiếc Super Lynx 300 được trang bị tên lửa đối đất tầm ngắn.
Bên ngoài khu vực, Ấn Độ và Úc, vốn đang cùng Mỹ và Nhật hiện diện ngày càng nhiều hơn ở Biển Đông, xác định nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng trực thăng hải quân để phục vụ chiến lược biển của mình. Trong đó, hải quân Ấn Độ định mua 94 chiếc trực thăng nội địa để thay thế trực thăng đa nhiệm Chetak, bị cho là hạn chế về chống ngầm. Hải quân Úc thì đang thay thế 16 trực thăng S-70-B2 bằng MH-60R Seahawk, theo DRA. Với thiết kế chuyên để chống tàu ngầm lẫn tàu nổi, MH-60R Seahawk được trang bị tên lửa Helllifre AGM-114 và ngư lôi Mk 54, theo DRA.
Nghị sĩ McCain chỉ trích Nhà Trắng về Biển Đông
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain hôm qua 5.1 chỉ trích chính quyền Tổng thống Barack Obama vì quyết định trì hoãn tăng cường tuần tra áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông.
Reuters dẫn lời ông McCain cảnh báo tình trạng thiếu hành động của Mỹ “đang cho phép Trung Quốc tiếp tục đeo đuổi những tham vọng lãnh thổ ở khu vực”. Nhận định này được đưa ra sau khi Trung Quốc ngang nhiên cho phi cơ bay đáp thử nghiệm trên đường băng phi pháp ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Reuters dẫn lời chuyên gia Ian Storey tại Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore) nhận định diễn biến mới cho thấy ý đồ của Trung Quốc muốn dùng các cơ sở phi pháp trên đảo nhân tạo để tăng cường hiện diện ở Biển Đông, thậm chí thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ). “Khi những cơ sở này hoạt động đầy đủ, sẽ thường xuyên xuất hiện tình trạng Trung Quốc cảnh báo, hăm dọa máy bay quân sự lẫn dân sự của nước khác trong khu vực. Nếu vậy chắc chắn căng thẳng sẽ leo thang”, ông Storey nói rõ.
|
Bình luận (0)