Nếu tính thêm một số vùng được hưởng quyền tự chủ cao ở Pháp, Ý… thì khoảng 33 triệu người châu Âu tham gia hoặc ủng hộ phong trào ly khai. Khủng hoảng kinh tế tại EU trở thành “chất xúc tác” giúp phong trào này tăng tầm ảnh hưởng.
Scotland, Catalonia và Flemish
Năm 1707, Scotland gia nhập Vương quốc Anh nhưng mối “lương duyên” này đang có nguy cơ đổ vỡ, theo báo Le Monde. Ngày 15.10, Thủ tướng Scotland Alex Salmond thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý năm 2014 về việc tách hoàn toàn khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (LHVQ Anh). London không phản đối cuộc trưng cầu này, nhưng Thủ tướng Anh David Cameron nhiều lần nhận định Scotland “nên ở lại”. Sau khi được tăng quyền tự chủ vào năm 1997, vùng này có thể tự quyết các vấn đề giáo dục, y tế, môi trường, tư pháp, nhưng vẫn phải phụ thuộc London về ngoại giao, năng lượng, thuế, quốc phòng.
|
Scotland có nhiều điểm khác biệt với Anh về mặt văn hóa, như âm nhạc, ẩm thực, tôn giáo… Về chính trị, dân vùng này cũng ủng hộ Liên minh châu Âu hơn Anh. Nhưng kinh tế Scotland vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào Anh nên nhiều người dân nước này vẫn dè dặt với kế hoạch tách rời hoàn toàn. Tuy nhiên, ông Alex Salmond, Thủ tướng Scotland, trấn an rằng nếu lãnh hải được phân chia sau khi độc lập hoàn toàn thì Scotland sẽ tiếp quản 90% trữ lượng dầu hỏa ở vùng biển Bắc vốn thuộc về LHVQ Anh. Tờ The Observer dẫn số liệu từ đảng cầm quyền Scotland SNP ước tính nguồn dầu mỏ ở vùng biển trên sẽ mang lại doanh thu 64 tỉ euro trong 5 năm tới. Tổng trữ lượng dầu ở biển Bắc được định giá hơn 1.000 tỉ euro. Ngoài ra, theo SNP, Scotland còn có các ưu thế khác như điện gió, rượu whisky nên sẽ đảm bảo khả năng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đảng này đã bỏ qua thực tế rằng liệu Anh có chịu “nhả” hết cho Scotland. Đồng thời, thực lực quân sự của Scotland khó đủ sức đảm đương an ninh cho các giàn khoan dầu trước nguy cơ khủng bố.
Trong tháng 10, phong trào ly khai cũng gây xôn xao dư luận ở Tây Ban Nha và Bỉ. Sự đối đầu giữa Madrid và chính quyền vùng Catalonia ngày càng trở nên căng thẳng. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy kiên quyết bác bỏ việc Catalonia đòi tự chủ về thuế. Đáp lại, Chủ tịch vùng này Artur Mas liên tục đưa ra những quyết định cứng rắn như tổ chức bầu cử chính quyền địa phương trước hạn vào ngày 25.11 và hứa hẹn một cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai khỏi Tây Ban Nha.
Tương tự, đảng N-VA, vốn luôn muốn vùng Flemish nói tiếng Hà Lan ly khai khỏi Bỉ, cũng giành nhiều thắng lợi quan trọng trong cuộc bầu cử địa phương, theo tờ Le Soir. Lãnh đạo N-VA Bart De Wever nhiều khả năng sẽ trở thành thị trưởng thành phố Anvers, thành phố lớn nhất của Flemish. Sự kiện trên thật sự là mối đe dọa lớn cho sự ổn định chính trị tại Bỉ khi nước này chỉ vừa thoát khỏi khủng hoảng vào tháng 12.2011, sau hơn 1 năm không thành lập được chính phủ.
Mẫu số chung
Có nhiều điểm tương đồng giữa các vùng đòi ly khai ở châu Âu. Đó là mong muốn ly khai hình thành từ lâu đời ở những vùng này, chủ yếu do những khác biệt về văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ. Ở Catalonia, tiếng Tây Ban Nha được xem là “ngoại ngữ” và các trường học chỉ bị bắt buộc dạy 4 giờ/tuần, theo tờ Uwazam Rze. Còn Bỉ có 3 ngôn ngữ chính thức, trong đó ít nhất 97% dân số nói tiếng Hà Lan và Pháp, còn lại là tiếng Đức. Trước nay, giữa vùng Flemish và Wallonia nói tiếng Pháp luôn có “hục hặc”. Vùng nào cũng muốn nâng tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ mình.
Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn giữa bối cảnh EU điêu đứng vì khủng hoảng nợ công. Scotland, Catalonia hay Flemish đều là những khu vực kinh tế phát triển. Vì thế, chính quyền những vùng này cho rằng không thể chấp nhận việc phải đóng quá nhiều thuế để liên đới giải quyết khủng hoảng với chính quyền trung ương. Bên cạnh đó, báo The New York Times dẫn lời Giám đốc Ủy ban Đối ngoại châu Âu Mark Leonard nhận định việc tăng cường quyền lực cho EU cũng là một lợi thế cho những vùng muốn ly khai.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Scotland sẽ bỏ phiếu "đi hay ở lại" Vương quốc Anh
>> Scotland vận động tách khỏi Anh
>> Scotland thách thức mẫu quốc
>> Thúy Vy tham gia các hoạt động tại Scotland
Bình luận (0)