(TNO) Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine được ký kết chưa ráo mực, Mỹ và các nước tây Âu đã đặt ngay vấn đề tăng mức trừng phạt Nga nếu thỏa thuận này bị phá vỡ.
Liên minh châu Âu sẽ trừng phạt Nga nếu thỏa thuận vừa ký tại Minsk bị phá vỡ - Ảnh: Reuters
|
Cuộc đàm phán hòa bình về khủng hoảng Ukraine giữa lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine kéo dài hơn 16 giờ tại thủ đô Minsk của Belarus đã thu được kết quả đáng kể khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn cùng một kế hoạch hòa bình bằng chính trị. Cuộc hòa đàm căng thẳng vừa kết thúc thì Mỹ và các nước tây Âu đã khẳng định sẽ tăng cường trừng phạt Nga nếu thỏa thuận vừa ký kết bị phá vỡ.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng các lãnh đạo châu Âu tham dự hội nghị hôm 12.2 đã sẵn sàng để gia tăng các biện pháp chống lại Nga về kinh tế nếu cần thiết, nhằm gây sức ép đối với Moscow để bảo vệ hòa bình ở Ukraine, theo Reuters.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, người trực tiếp tham gia đàm phán 4 bên tại Minsk, cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu thỏa thuận ngừng bắn giữa Ukraine và phe ly khai không được thực hiện đầy đủ.
Cũng cùng quan điểm với bà Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết nếu thỏa thuận đó được tôn trọng một cách đầy đủ thì lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ dần được dỡ bỏ, theo Reuters.
Cuộc đàm phán 4 bên giữa lãnh đạo Nga, Đức, Pháp, Ukraine tại Minsk đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine - Ảnh: Reuters
|
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố hôm 12.2 rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga sẽ không được dỡ bỏ nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không thay đổi hành vi của mình. Về lệnh ngừng bắn đạt được tại Minsk, ông Cameron tỏ ra thận trọng, ông cho rằng vấn đề là những hành động trên thực tế chứ không phải chỉ là những câu từ trên một mảnh giấy, theo Reuters.
Tại Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry cũng hoan nghênh thỏa thuận đạt được tại Minsk trong việc chấm dứt các cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, ông khẳng định Mỹ sẽ đánh giá cam kết của Nga và phe ly khai qua hành động của họ chứ không phải qua lời nói, đồng thời gắn lệnh trừng phạt Nga với việc thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ.
Thỏa thuận được ký tại Minsk có 13 điểm chính, ngoài ngừng bắn và lập vùng đệm phi quân sự, một vấn đề quan trọng khác là đến cuối năm 2015, Ukraine sẽ phải đưa ra một bản hiến pháp mới với nội dung phi tập trung hóa quyền lực cũng như trao quy chế đặc biệt cho các khu vực đòi ly khai. Bên cạnh đó, các bên cũng chưa nhất trí hoàn toàn về việc giao cho Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu kiểm soát biên giới Nga - Ukraine cũng như tổ chức bầu cử địa phương sớm ở miền Đông. Đây là những điểm cần phải được thảo luận thêm và nguy cơ giao tranh tiếp diễn vẫn còn chực chờ, theo AFP.
Về phía Nga, Ngoại trường Sergei Lavrov khẳng định, Nga đóng vai trò tích cực trong việc ổn định tình hình khủng hoảng ở Ukrane, và nhấn mạnh, nỗ lực cáo buộc Nga phá hoại các thỏa thuận vừa được ký kết là vô lý. Ông Lavrov cũng đánh giá cao vai trò của thủ tướng Đức và tổng thống Pháp trong việc nỗ lực giúp cuộc hòa đàm đạt được thỏa thuận tích cực trên, theo Itar Tass.
Bình luận (0)