Châu Âu hy vọng cấm vận được dầu mỏ Nga, Anh nói quân Nga suy yếu
Ủy ban châu Âu (EC) trong tuần này dự kiến đề xuất gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Gói trừng phạt mới có thể gồm cả lệnh cấm mua dầu mỏ của Nga.
Tự động phát
Ukraine cho rằng xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu đến nay phần lớn vẫn được miễn các lệnh trừng phạt quốc tế và đây là nguồn tiền chính hỗ trợ chiến dịch quân sự mà Moscow phát động tại nước này.
Theo ông Josep Borrell, cao ủy đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), liên minh này đang hy vọng có thể thông qua lệnh trừng phạt thứ 6 đối với Nga tại cuộc họp sắp tới của Hội đồng Đối ngoại EU. Các cuộc họp đã được lên lịch vào ngày 10 và 16.5.
Theo Reuters, ông Borrell cho biết ông hy vọng EU sẽ có thể thực hiện "các biện pháp để hạn chế đáng kể nhập khẩu" năng lượng từ Nga, nhưng thừa nhận cho đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng ý của toàn bộ các thành viên.
Mới đây nhất, Slovakia đã tiếp bước Hungary bày tỏ ý muốn Liên minh châu Âu cho phép miễn tham gia cấm vận Nga.
Lực lượng thân Nga khai hỏa hệ thống phóng nhiều tên lửa BM-21 Grad |
reuters |
Trong khi đó, theo báo cáo ngày 1.5 của hãng nghiên cứu độc lập Rystad Energy, doanh thu dầu mỏ của Nga trong năm nay sẽ tăng đến hơn 180 tỉ USD nhờ giá dầu tăng. Thuế thu được từ công nghiệp dầu mỏ nhờ vậy sẽ tăng đến 45% so với năm 2021.
Chiến dịch quân sự vẫn tiếp tục diễn ra ở Ukraine, Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói rằng trong đêm ngày 2 rạng ngày 3.5, Nga đã phóng tên lửa Onyx bắn trúng một trung tâm hậu cần Ukraine, phá hủy các nhà chứa máy bay không người lái Bayraktar TB2 cũng với tên lửa và đạn do Mỹ và châu Âu cung cấp.
Ngược lại, Bộ tổng tham mưu Ukraine nói quân Nga thiệt hại nặng gần Izyum, và từ đầu chiến dịch đến nay đã mất gần 24.200 quân. Còn thống đốc vùng Donetsk của Ukraine nói trong ngày 2.5 đã đẩy lùi 12 đợt tiến công của quân Nga ở vùng Luhansk và Donetsk. Quân đội Ukraine trước đó cũng nói rằng đã giành lại kiểm soát một số khu vực ở phía đông và bắc thành phố Kharkiv.
Hiện không thể xác minh tính chính xác trong thông tin thương vong và thiệt hại từ hai phía.
Báo cáo mới nhất của tình báo quốc phòng Anh hôm 2.5 đánh giá rằng quân đội Nga hiện đã suy yếu đáng kể vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, và khả năng hồi phục lại càng khó khăn hơn vì các lệnh cấm vận. Báo cáo này cho rằng nỗ lực hiện đại hóa quân đội từ năm 2008 đến nay vẫn chưa giúp Nga có lợi thế vượt trội so với Ukraine, thể hiện qua các sai lầm trong việc lên kế hoạch chiến lược cũng như triển khai trên thực địa. Nga chưa có bình luận về đánh giá này.
Hôm 2.5, chính phủ Anh tuyên bố nước này sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu bảng, trong đó có thiết bị tác chiến điện tử và radar, thiết bị nhìn đêm, máy bay không người lái để chuyển hàng tiếp tế cho binh sĩ Ukraine.
Một tòa nhà bị hư hại nặng sau khi bị pháo kích ở vùng Kyiv |
reuters |
Anh đã gửi cho Ukraine hơn 5.000 tên lửa chống tăng và 5 hệ thống phòng không kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào ngày 24.2. Trước gói viện trợ mới, Anh đã chi hơn 200 triệu bảng hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Liên quan đến việc sơ tán tại TP.Mariupol hiện do Nga kiểm soát, khoảng 100 dân thường đã được đưa ra khỏi nhà máy Azovstal, pháo đài cuối cùng quân Ukraine ở thành phố này hôm 30.4, nhưng đã không có chuyến giải cứu nào diễn ra trong ngày 1.5.
Theo một chỉ huy quân sự Ukraine tại Azovstal, còn khoảng 100 dân thường, bao gồm phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, vẫn còn kẹt lại tại các tầng ngầm nhà máy thép này.
Theo cơ quan di dân LHQ (UNHCR), hơn 5,5 triệu người đã rời Ukraine kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu hôm 24.2. Ba Lan đã đón hơn 3 triệu người, Romania nhận hơn 800.000 người, khoảng 700.000 người đã đến Nga, cùng hơn 500.000 người đến Hungary.
Ngoài ra, còn có khoảng 7,7 triệu người mất nhà cửa ở Ukraine. Theo văn phòng nhân quyền LHQ, đã có trên 3.000 dân thường thiệt mạng trong cuộc xung đột.
Trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải ngày 3.5, Giáo hoàng Francis nói rằng khoảng 3 tuần sau khi xung đột ở Ukraine bắt đầu, ông đã yêu cầu nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican gửi thông điệp tới ông Putin.
Giáo hoàng cho biết thông điệp được gửi đi là "tôi sẵn sàng đến Moscow” với nỗ lực chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên cho đến nay Vatican vẫn chưa nhận được hồi đáp.
Bình luận (0)