Theo Bloomberg, tại Phòng thí nghiệm Robot Bristol ở tây nam nước Anh, hàng chục robot nhỏ sẵn sàng cho cuộc thí nghiệm về "đàn robot" đang được tiến hành, nhằm theo dõi cách máy móc hỗ trợ và làm việc cùng nhau.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết hôm 25.4 rằng họ muốn tạo ra mạng lưới gồm hàng trăm Trung tâm kỹ thuật số như trên ở Bristol. Mục tiêu là giúp các doanh nghiệp và nhà khoa học châu Âu hợp tác cùng nhau, thúc đẩy nghiên cứu và đem công nghệ robot, AI đến hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là xương sống của nền kinh tế.
“Ý tưởng là tất cả các nút này sẽ kết nối và liên lạc với nhau, tối đa hóa tác động của công nghệ và chuyên môn mà họ đang phát triển”, Giáo sư điều hành trung tâm kiểu mẫu ở Bristol Farid Dailami cho hay. Trung tâm này kết nối các nhà nghiên cứu và nguồn tài trợ với các doanh nghiệp cần công nghệ tự động hóa.
|
Châu Âu đã có hai doanh nghiệp sản xuất robot lớn nhất thế giới là ABB của Thụy Sĩ, và Kuka của Đức. Dù vậy, khu vực vẫn chưa có nền tảng internet lớn như quy mô Google của Mỹ hay Tencent của Trung Quốc để đón dữ liệu là nền tảng cho nhiều tiến bộ trong công nghệ AI hiện nay.
Tệ hơn nữa, các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ và Trung Quốc có nguồn tiền lớn, cho phép họ không chỉ tài trợ các dự án nghiên cứu đắt đỏ mà còn thâu tóm, sáp nhập các hãng khởi nghiệp thành công ở châu Âu. Kuka đã bị một doanh nghiệp mua lại, trong khi Google thì đã thâu tóm ngôi sao làng AI của Anh là hãng DeepMind.
Một vấn đề với lục địa già là bất chấp nhiều nỗ lực xây dựng thị trường chung duy nhất, 500 triệu dân EU vẫn bị chia ra 28 nước khác nhau. Các trường đại học, nguồn vốn tài trợ và nhiều mạng lưới khác hậu thuẫn hoạt động nghiên cứu bị tách rời. Trung Quốc và giới doanh nghiệp nước này thì ngược lại, có thể khai thác dữ liệu 1,4 tỉ khách hàng tiềm năng tại một thị trường chung nhất. Facebook thì có hơn 2 tỉ người dùng trên toàn cầu.
|
“Cuộc cạnh tranh quốc tế lớn đòi hỏi EU phải có động thái phối hợp để đi đầu trong việc phát triển AI”, phó chủ tịch thị trường kỹ thuật số chung nhất tại EC Andrus Ansip cho hay. Song tình hình trở nên xấu đi một chút sau khi Anh chính thức rời EU vào năm sau. Bà Dailami cho biết hiện mình được yêu cầu làm việc như bình thường, song không rõ tài trợ của EU có thể giúp bổ sung nhiều phòng thí nghiệm của Anh vào mạng lưới hay không.
Giới chức EC công nhận môi trường nghiên cứu sôi động ở châu Âu, song lo về viễn cảnh kiếm tiền từ các ý tưởng công nghệ AI đó. Họ cho rằng châu Âu có thể bị tuột lại phía sau. Một trong những ví dụ của việc này nằm ở mảng điện thoại di động. Các doanh nghiệp châu Âu đã đi sớm, song lại bị “khóa chân” trong ngành smartphone sau đó khi nhiều hệ điều hành không ra đời ở châu Âu như Android và iOS trở thành tiêu chuẩn của ngành.
Trong số 230 startup công nghệ có giá hơn 1 tỉ USD trên toàn cầu, những Google và Tencent của tương lai, EU chỉ có 26. Một nửa số doanh nghiệp này nằm ở Anh. Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ lần lượt có 65 và 115 hãng.
Giải pháp của EC là bơm thêm 20 tỉ EUR vào quỹ nghiên cứu thêm về AI trên toàn khối, tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề, cấp quyền tái sử dụng dữ liệu lớn về chăm sóc sức khỏe, giao thông và các dịch vụ khác rẻ hơn cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, khu vực còn muốn thành lập mạng lưới nghiên cứu và tiếp cận doanh nghiệp mới theo mô hình của cơ sở do bà Dailami dẫn đắt ở Bristol.
Bình luận (0)