Châu Âu nỗ lực cắt giảm sử dụng khí đốt sau cảnh báo của Tổng thống Putin
Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các mục tiêu để hạn chế sử dụng khí đốt sau khi Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo rằng nguồn cung của Nga từ đường ống Nord Stream 1 có nguy cơ bị cắt giảm hơn nữa.
Tự động phát
Châu Âu đang tìm cách cắt giảm lượng khí đốt sau lời cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Phát biểu trong tuần này, ông cho biết có thể nguồn cung khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1 sẽ bị cắt giảm.
Các ý kiến được đưa ra chỉ vài giờ trước khi tuyến đường Nord Stream 1 dự kiến mở cửa trở lại.
Đường ống này đã bị tạm ngưng để bảo dưỡng và nhiều người lo ngại rằng Nga có thể trì hoãn việc khởi động trở lại.
Theo các nguồn tin của Reuters, đường ống này có thể sẽ hoạt động trở lại như dự kiến vào hôm 21.7, nhưng chưa rõ công suất bao nhiêu.
Nga đã cắt giảm dòng chảy qua Nord Stream 1 xuống 40% mức bình thường trước khi ngừng hoạt động. Sự gián đoạn đã cản trở nỗ lực của châu Âu trong việc nạp đầy các kho trữ khí đốt trước mùa đông.
Điều này có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.
Hiện EU đã đặt mục tiêu cắt giảm tiêu thụ khí đốt trong khối.
Theo đó, EU muốn các quốc gia thành viên giảm sử dụng 15% lượng khí đốt trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 3 so với các năm trước.
Mục tiêu này có thể sẽ khó thực hiện được trong trường hợp khẩn cấp, nếu EU tuyên bố tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng.
Các đề xuất dự kiến có thể được phê duyệt trong vòng vài ngày, mặc dù Ba Lan và một số nước khác không quan tâm.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen nói rằng châu Âu phải hành động: "Nhìn chung, dòng khí đốt của Nga hiện nay ít hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Nga đang tống tiền chúng ta. Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí. Và do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, dù là cắt giảm một phần hay phần lớn hay toàn bộ khí đốt của Nga thì châu Âu cũng cần phải sẵn sàng".
Trong khi đó, ông Putin phủ nhận những cáo buộc trên, đồng thời nói rằng Nga và tập đoàn năng lượng Gazprom là đối tác đáng tin cậy. Ông nói rằng sự thiếu hụt nguồn cung đều do thiết bị đường ống.
Bình luận (0)