Châu Âu quyết tham gia bảo vệ Biển Đông

Thục Minh
Thục Minh
04/06/2018 07:35 GMT+7

Các quốc gia châu Âu vào ngày 3.6 đã tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La về chủ trương tham gia bảo vệ trật tự an ninh biển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu trong phiên toàn thể cuối cùng của chương trình đối thoại kéo dài 3 ngày, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Singapore Ng Eng Hen nhìn nhận trật tự dựa trên luật pháp được thiết lập sau Thế chiến 2 đang bị thách thức do sự thay đổi tương quan sức mạnh giữa các quốc gia trong khu vực và toàn cầu. Về an ninh, “một số quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã có hành động đơn phương nhằm củng cố lợi ích của riêng mình”, ông Ng nói. Cụ thể, “bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài The Hague năm 2016, Trung Quốc đã tăng cường hệ thống tình báo, do thám và trinh sát, thậm chí các hệ thống vũ khí trên biển”. “Bất luận Bắc Kinh giải thích thế nào thì hành động vượt ra ngoài các thông lệ toàn cầu này đang thách thức trật tự và các luật lệ phổ quát hiện có, vốn đem lại lợi ích cho vùng châu Á - Thái Bình Dương và xa hơn”, Bộ trưởng Ng nhấn mạnh. Vì thế, ông khuyến cáo: “Cả thế giới đang theo dõi ASEAN và Trung Quốc hợp tác với nhau thế nào để hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.
Sự xói mòn của trật tự nói trên cũng khiến các quốc gia châu Âu lo ngại. “Pháp không có tranh chấp gì ở vùng biển này nhưng chúng tôi kiên định 2 nguyên tắc của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Đó là tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp pháp lý và thương lượng, không phải bằng tạo ra “sự đã rồi”; và tự do hàng hải phải được duy trì”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly phát biểu. “Sự đã rồi” ở đây chính là tình trạng Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hóa trên Biển Đông. Tuy nhiên, “sự đã rồi không phải là sự được chấp nhận”, nữ bộ trưởng nhấn mạnh.
Trên tinh thần gìn giữ luật lệ hàng hải, bà Parly nói: “Pháp hoàn toàn ủng hộ một COC có tính chất ràng buộc pháp lý, đầy đủ, có hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế”. Mặt khác, “không dưới 5 chiến hạm của Pháp đã giong buồm trong khu vực này năm 2017. Trực thăng và tàu chiến Anh cũng tham gia cùng nhóm tác chiến của chúng tôi trong Biển Đông. Lực lượng của các nước châu Âu khác cũng đã di chuyển xa hơn nhằm ủng hộ nỗ lực này. Các nhà quan sát Đức cũng lên tàu cùng chúng tôi”, bà cho biết và kết luận: “Tôi tin rằng chúng ta cần mở rộng nỗ lực này ra xa hơn”.
Các quan chức ASEAN cũng cho biết Pháp và EU đã đề nghị tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), gồm 10 quốc gia thành viên và 8 đối tác đối thoại gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cũng khẳng định sự tham gia của nước này: “Với mong muốn hợp tác gần gũi hơn với bạn bè trong khu vực nhằm bảo vệ pháp quyền và tự do quốc tế, chúng tôi vừa thiết lập Đội Tham mưu quốc phòng Anh tại Singapore, cũng như triển khai chiến hạm đến khu vực”. Cả ông và bà Parly còn cho biết nước họ sẵn sàng tham gia cùng Mỹ thực hiện các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải trong Biển Đông.
Bên lề diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Guy Pamerlin nói với Thanh Niên rằng nước này đang chuẩn bị mở văn phòng tùy viên quốc phòng tại Singapore để nắm bắt tình hình khu vực và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ông cho biết thêm Thụy Sĩ không có hải quân nên không thể đưa chiến hạm đến khu vực, nhưng có thể trao đổi một số phương tiện quốc phòng khác.
Tàu chiến Mỹ sẽ hoạt động mạnh trên Biển Đông
Reuters ngày 3.6 dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ đang cân nhắc tăng cường hoạt động ở Biển Đông nhằm đối phó với tình trạng Trung Quốc quân sự hóa phi pháp tại đây. Theo đó, Lầu Năm Góc đang nghiên cứu chương trình tuần tra tự do hàng hải cứng rắn hơn tại những khu vực bị Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng phi pháp. Giới quan sát dự đoán sắp tới Mỹ sẽ kéo dài thời gian tuần tra với sự tham gia của thêm rất nhiều tàu chiến. Bên cạnh đó, Washington còn đang kêu gọi đồng minh và đối tác tăng cường hiện diện tại Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận về các chiến dịch sắp tới, nhưng người phát ngôn Christopher Logan nói nước này “sẽ tiếp tục làm việc với bạn bè, đối tác và đồng minh nhằm đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Khánh An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.