Châu Âu ra sức tiết kiệm năng lượng

30/07/2022 08:05 GMT+7

Cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến sự Ukraine đang đẩy các nước châu Âu vào tình thế phải tiết kiệm năng lượng, trong khi mùa đông băng giá vẫn còn chờ phía trước.

Giữa tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt từ nay cho đến mùa xuân năm sau. Đây được xem là nỗ lực chung mà EU hy vọng có thể giúp các nước thành viên vượt qua cơn khủng hoảng năng lượng do Nga giảm nguồn cung khí đốt từ ngày 27.7. Hậu quả là các thành phố ở châu Âu giờ đây bớt ánh sáng hơn vào ban đêm và các đài phun nước hạn chế hoạt động.

Đài phun nước bị tắt ở quảng trường Martin-Luther-Platz, TP.Augsburg của Đức

Reuters

Nước Đức lạnh lẽo hơn

Từ ngày 27.7, Hanover ở miền tây bắc nước Đức trở thành đô thị đầu tiên công bố các biện pháp tiết kiệm năng lượng, trong đó có tắt nước nóng ở vòi sen và các phòng tắm của những tòa nhà và trung tâm công cộng. Tờ The Guardian ngày 29.7 đưa tin các tòa nhà do chính phủ vận hành chỉ bật hệ thống sưởi từ ngày 1.10.2022 - 31.3.2023, duy trì ở mức 20 độ C là tối đa, và cấm sử dụng máy điều hòa không khí di động và quạt sưởi. Tuy nhiên, trường mẫu giáo, trường học, viện dưỡng lão và bệnh viện là những nơi được miễn trừ các biện pháp này.

“Tình hình đang trở nên khó đoán”, Thị trưởng Belit Onay của Hanover cảnh báo. Ông kêu gọi thành phố phải thật sự tiết kiệm năng lượng và tập trung ưu tiên bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu.

EU đồng thuận giảm 15% tiêu thụ khí đốt để bớt lệ thuộc Nga

Dự kiến, các biện pháp trên sẽ giúp Hanover tiết kiệm được 15% lượng khí đốt theo thỏa thuận của EU. Còn tại Berlin, từ đêm 27.7, khoảng 200 đài tưởng niệm, và những tòa nhà chính phủ đã chìm trong bóng tối để tiết kiệm điện. Trước đó, các công trình nổi tiếng ở thủ đô Đức như Đài Chiến thắng ở công viên Tiergarten, Nhà thờ Tưởng niệm Kaiser Wilhelm; Viện Bảo tàng Do Thái đều rực rỡ ánh đèn vào ban đêm.

TP.Munich ở miền nam cũng tắt đèn chiếu sáng ở tòa thị chính và không cung cấp nước nóng ở các tòa nhà chính phủ. Đài phun nước cũng được tắt vào ban đêm. Còn TP.Nuremberg cũng đóng cửa 3 trong số 4 hồ bơi công cộng trong nhà và duy trì việc mở cửa các hồ bơi ngoài trời cho đến ngày 25.9. Bên cạnh đó, chính phủ Berlin ngày 28.7 xác nhận sẽ tăng thuế phụ thu khí đốt cho người dùng, trong nỗ lực ngăn chặn các công ty năng lượng thoát khỏi nguy cơ phá sản những tháng tới.

Ý, Pháp, Bỉ cũng thay đổi

Tại Pháp, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Agnès Pannier-Runacher cảnh báo các cửa hàng trên toàn quốc sẽ phải đóng cửa trong lúc mở điều hòa, nếu không sẽ bị phạt 750 euro (gần 18 triệu đồng). Theo Đài CNN, dự kiến quy định chính thức sẽ được chính phủ Pháp công bố vào những ngày tới.

Thành phố Berlin “chìm” trong bóng đêm để tiết kiệm điện vì xung đột Nga - Ukraine

EU cần tiết kiệm bao nhiêu khí đốt?

Nếu EU giảm được lượng tiêu thụ khí đốt 15%, các nước thành viên sẽ tiết kiệm tổng cộng 45 tỉ m3 khí đốt, theo Reuters dẫn tính toán của Ủy ban Châu Âu (EC). Việc này được kỳ vọng sẽ giúp EU vượt qua mùa đông năm 2022. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại có thể xảy ra bất trắc nếu mùa đông năm nay lạnh và khắc nghiệt hơn bình thường, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết bất thường vì biến đổi khí hậu. Giới chức EU đề nghị bổ sung nguồn cung từ Na Uy và Azerbaijan, nhập khẩu thêm khí đốt hóa lỏng từ Mỹ. Và kế hoạch trên chỉ có thể giúp ứng phó mùa đông trước mắt.

Trước đó, các thị trưởng thành phố Paris, Lyon và những đô thị khác của Pháp cũng đưa ra yêu cầu tương tự trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Cảnh sát Paris đã bắt đầu phạt tiền (150 euro, khoảng 3,5 triệu đồng) đối với những trường hợp vi phạm tại địa bàn thủ đô. Còn ông Olivier Veran, người phát ngôn chính phủ Pháp, kêu gọi người dân hãy tắt điện, bao gồm thiết bị phát wi-fi, nếu rời nhà đi nghỉ cuối tuần hoặc đi nghỉ hè.

Bên cạnh đó, chính phủ Ý thông báo sẽ yêu cầu người dân hạ nhiệt độ phòng khi sưởi xuống 1 độ C so với mức sưởi bình thường vào 6 tháng cuối năm 2022, và giảm 60 phút thời gian sưởi/ngày, theo Reuters. Mục tiêu của Ý là giảm 2,6 tỉ m3 khí đốt tiêu thụ trên toàn quốc trong năm 2022, và giảm gần 11 tỉ m3 vào năm 2025.

Gazprom tiếp tục "bóp" nguồn khí đốt đến châu Âu

Về phần mình, chính phủ Bỉ công bố “kế hoạch Mùa đông”, bao gồm các biện pháp ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, Brussels sẽ triển khai các chiến dịch tăng cường nhận thức của người dân về vấn đề tiết kiệm năng lượng. Và chính quyền liên bang sẽ làm gương bằng cách thực hành tiết kiệm năng lượng tại các nhà tòa nhà của chính phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.