Châu Âu sẽ đi đầu kết thúc đại dịch Covid-19 ?

Khánh An
Khánh An
25/01/2022 06:58 GMT+7

.Quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc trước tiên ở châu Âu rồi đến những nơi khác trên toàn cầu.

Hãng AFP ngày 24.1 dẫn lời Giám đốc châu Âu của WHO Hans Kluge cho rằng biến thể Omicron khiến đại dịch Covid-19 bước vào một giai đoạn mới và có thể dẫn đến sự kết thúc đại dịch ở châu Âu. Theo đó, dường như châu lục này đang “hướng đến một kiểu tàn cuộc của đại dịch”, sau khi Omicron có thể lây nhiễm cho 60% dân số châu Âu tính đến tháng 3.

Người dân đeo khẩu trang trên đường phố London (Anh) vào ngày 21.1

AFP

Quan chức này nhận định một khi làn sóng lây nhiễm Omicron tại châu Âu lắng xuống, sẽ có thêm vài tuần hoặc vài tháng trước khi toàn cầu đạt miễn dịch nhờ vắc xin, miễn dịch do lây nhiễm và sự sụt giảm theo mùa. “Chúng tôi dự đoán sẽ có giai đoạn yên tĩnh trước khi Covid-19 có thể quay lại trước thời điểm cuối năm, nhưng không nhất thiết là đại dịch quay lại”, ông nhận định.

Giai đoạn quan trọng

Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, đại dịch đang vào thời khắc quan trọng và các nước cần phối hợp với nhau để chấm dứt giai đoạn mạn tính. Ông kêu gọi tiến hành chiến dịch tiêm vắc xin “tăng tốc hàng loạt và thực sự mang tính toàn cầu” để đạt mục tiêu trên.

Với biến thể Omicron, đại dịch Covid-19 vào thế tàn cuộc với châu Âu?

Giám đốc châu Âu của WHO thì thận trọng khi cho rằng còn quá sớm để xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. “Có rất nhiều người nói về bệnh đặc hữu, nhưng bệnh đặc hữu là khi có thể tiên đoán điều sắp xảy ra. Vi rút này đã từng gây ngạc nhiên nên chúng ta phải rất thận trọng”, ông khuyến cáo và cho rằng các biến thể khác có thể xuất hiện do Omicron vẫn lây lan trên diện rộng.

Trong khi đó, Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối Thierry Breton cho rằng các vắc xin hiện tại có thể được phát triển để thích ứng với những biến chủng có khả năng xuất hiện. “Chúng ta sẽ sẵn sàng thích ứng các vắc xin, đặc biệt là các vắc xin ARN thông tin, nếu cần đối phó biến chủng có hại hơn”, ông chia sẻ. Tại khu vực châu Âu theo phân vùng của WHO gồm 53 nước, trong đó có một số nước Trung Á, biến chủng Omicron chiếm 15% số ca nhiễm mới trong tuần tính đến ngày 18.1, so với tỷ lệ 6,3% một tuần trước đó. Châu Âu hiện ghi nhận gần 114 triệu trong số hơn 352 triệu ca nhiễm Covid-19 và gần 1,6 triệu trong số 5,6 triệu ca tử vong trên toàn cầu.

Giảm thiểu trở ngại

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu, Omicron hiện là biến chủng vượt trội tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và lây lan nhanh khắp khu vực. Ông Kluge kêu gọi các nước tập trung vào việc “giảm thiểu những trở ngại đối với các bệnh viện, trường học và nền kinh tế; nỗ lực thật lớn để bảo vệ những người dễ bị ảnh hưởng”, thay vì những biện pháp nhằm ngăn chặn lây nhiễm.

Biến thể Omicron làm giảm hy vọng đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19

Biến thể phụ BA.2 lây lan nhanh ở Ấn Độ

Tờ The Times of India ngày 24.1 dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kỹ thuật môi trường quốc gia Ấn Độ (NEERI) tiến hành tại huyện Nagpur (bang Maharashtra, Ấn Độ) cho thấy biến thể phụ BA.2 của Omicron tỏ ra vượt trội ở các bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng. Phân tích trình tự gien đối với 290 mẫu thu thập từ ngày 1 - 21.1 cho thấy biến thể B.1.1.529 (biến thể ban đầu của Omicron) chiếm 31,5% số ca, trong khi 2 biến thể phụ là BA.1 chiếm 2,3% và biến thể BA.2 chiếm đến 66,2%.

Song song đó, ông Kluge kêu gọi mọi người có trách nhiệm. “Nếu bạn không thấy khỏe, hãy ở nhà, tự xét nghiệm. Nếu bạn dương tính, hãy cách ly”, ông kêu gọi. Theo ông Kluge, ưu tiên hiện tại là ổn định tình hình ở châu Âu khi mức tiêm vắc xin tại các nước đạt từ 25 - 95% dân số, dẫn đến những sức ép khác nhau đối với các bệnh viện và hệ thống y tế. “Ổn định có nghĩa là hệ thống y tế không còn tràn ngập do Covid-19 và có thể tiếp tục các dịch vụ y tế trọng yếu vốn bị trở ngại liên quan các bệnh như ung thư, tim mạch và tiêm chủng định kỳ”, ông Kluge phân tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.