(Tin Nóng) Các hãng đóng tàu châu Âu đang thống trị thị trường tàu chiến, tàu ngầm ở Đông Nam Á, dù Mỹ nỗ lực mang tàu tác chiến cận bờ (LCS) đến khu vực này để tiếp thị, theo Defense News ngày 18.6.
Tàu tên lửa lớp 12418 (Molniya) do công ty Ba Son đóng theo giấy phép của Nga - Ảnh: Đàm Duy Khánh
|
Hiện các hãng tàu châu Âu đang là nguồn cung cấp chính cho nhu cầu về tàu hộ tống, tàu tuần tiễu ven bờ và cả tàu ngầm ở Đông Nam Á. Còn Mỹ mang tàu tác chiến cận bờ (lớp tàu Freedom của Lockheed Martin và sắp tới là tàu 3 thân Independence của Austal USA) bố trí ở Đông Nam Á, nhưng chưa tạo được sự quan tâm của hải quân khu vực.
Ông Barry McCullough, một phó đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và hiện là phó chủ tịch của Lockheed về phát triển kinh doanh quốc tế, cho biết loại tàu LCS không có chuyển động gì về việc bán được ở các thị trường Đông Nam Á. Ông McCullough, người đại diện cho gian hàng Lockheed tại Triển lãm Hàng hải – quốc phòng quốc tế (IMDEX) tại Singapore vào tháng 5, cho biết mối quan tâm về tàu LCS của Hải quân Mỹ gia tăng ở Nhật Bản và Trung Đông, bao gồm cả UAE, Kuwait, Ả-rập Xê út và Qatar.
Nếu lực lượng hải quân trong khu vực không mua tàu của châu Âu, thì họ tự đóng lấy, theo Richard Bitzinger, chuyên gia ngành công nghiệp quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Singapore. Singapore đã thiết kế và đóng 4 tàu đổ bộ lớp Endurance và đang đóng 1 chiếc cho Hải quân Thái Lan. Indonesia đã mua được thiết kế đóng 4 tàu đổ bộ lớp Makassar của Daesun (Hàn Quốc) và bây giờ Philippines đặt nước này đóng 2 chiếc theo một hợp đồng ký với Hàn Quốc trong năm 2014
Singapore là thị trường dẫn đầu trong đóng tàu với kỹ năng của châu Âu mà không giảm bớt chất lượng của tàu, như 6 tàu khu trục lớp Formidable theo thiết kế tàu khu trục Lafayette của Pháp. Hãng đóng tàu DCNS đóng chiếc đầu tại Pháp và hãng ST Marine của Singapore đóng 5 chiếc còn lại từ năm 2002-2006.
Năm 2004, Indonesia theo mô hình tương tự để có được kỹ năng đóng tàu với lớp tàu đổ bộ Makassar, gồm 2 chiếc đóng tại Hàn Quốc và 2 chiếc đóng ở Indonesia.
Các nhà báo xem sĩ quan Craig Cole thể hiện một giao diện điều khiển trên đài chỉ huy của tàu USS Fort Worth tại IMDEX 2015 ở Singapore ngày 18.5. Mặc dù có sự quan tâm đặc biệt như vậy, nhưng không có chiếc LCS nào được Đông Nam Á đặt mua - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth đang bố trí ở Đông Nam Á (tại Singapore). Lớp tàu này đang tìm thị trường ở Nhật Bản và Trung Đông - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Thị trường Đông Nam Á đang phát triển, theo ông Bitzinger. Malaysia đang đóng 6 tàu hộ tống lớp Gowind theo một thỏa thuận với Pháp. Indonesia đang mua sắm bốn tàu hộ tống lớp Sigma từ Hà Lan, Việt Nam đã có một thỏa thuận với Nga đóng tiếp 2 tàu chiến lớp Gepard 3.9 (tổng cộng 6 chiếc), và Thái Lan đang đàm phán với Hàn Quốc đóng 1 tàu khu trục nhỏ đa chức năng.
Mặc dù Hải quân Mỹ có sự hiện diện mạnh mẽ tại IMDEX - với các buổi biểu diễn của tàu Fort Worth và đại diện của các tập đoàn General Dynamics, Lockheed, Northrop Grumman và Raytheon, nhưng các hãng đóng tàu châu Âu vẫn dẫn đầu tại Đông Nam Á như Damen, Lürssen, Navantia, Saab và ThyssenKrupp cung cấp tàu đóng mới, đặc biệt là tàu ngầm.
"Lớp tàu ngầm A26 của Saab đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và ý kiến tại buổi trình diễn cùng với động cơ đẩy không cần không khí (AIP)", ông Guy Stitt, chủ tịch tổ chức Bremerton (thuộc tập đoàn tư vấn quốc tế AMI International, Mỹ) nói.
Tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Mỹ đã bỏ lỡ thị trường tàu ngầm diesel-điện bởi chỉ tập trung sản xuất các tàu ngầm tấn công và mang tên lửa đạn đạo chạy bằng động cơ hạt nhân. Trong số 1.034 tàu sẽ đóng mới tính đến năm 2033, hơn 12% - khoảng 131 chiếc – là tàu ngầm, theo ông Amy McDonald, giám đốc hoạt động tư vấn của AMI.
Hầu hết các nước trong khu vực đã không có chiếc tàu ngầm nào 15 năm trước đây, theo ông Bitzinger, nhưng bây giờ khu vực này có các hạm đội tàu ngầm từ các vùng biển ở eo biển Malacca và Biển Đông. Singapore đã mua 6 tàu ngầm tân trang lại từ Thụy Điển, bao gồm hai chiếc chạy bằng động cơ AIP. Trong năm 2014, Hải quân Singapore thông báo kế hoạch mua hai tàu ngầm Type-218S mới từ Đức, chạy bằng động cơ AIP.
Malaysia có 2 tàu ngầm Scorpene (Pháp) và Việt Nam có 6 tàu ngầm lớp Kilomua từ Nga. Indonesia đang mua sắm 3 tàu ngầm lớp Chang Bogo cải tiến (Type 209) của Hàn Quốc. Đài Loan, Thái Lan và Philippines đều có chương trình mua sắm tàu ngầm.
Tuy nhiên, Mỹ không phải hoàn toàn đứng ngoài cuộc chơi.
Hãng ST Marine của Singapore đã giới thiệu một mô hình thiết kế tàu hỗ trợ đổ bộ lớp Endurance-160 đa chức năng mới tại IMDEX, có thể bố trí được máy bay chiến đấu tàng hình F-35B do Lockheed Martin chế tạo (với khả năng cất cánh đường băng ngắn và khả năng hạ cánh thẳng đứng).
Anh Sơn
>> Tàu ngầm Khánh Hoà quay về nhà máy sau 1 tháng thử nghiệm
>> Tàu tên lửa Việt Nam đóng sẽ trang bị tên lửa Klub của Nga
>> Đông Nam Á gia tăng đầu tư cho hải quân
>> Pháp chào hàng tàu tên lửa tàng hình với Việt Nam, Malaysia
>> Nga giới thiệu chiến hạm Gepard 3.9 với ASEAN
>> Hải quân Mỹ đề nghị hỗ trợ ASEAN tuần tra chung ở Biển Đông
Bình luận (0)