Trong tuần qua, nước Anh rúng động vì những vụ bạo loạn nghiêm trọng nhất từ vài thập niên trở lại đây. Trong hơn 1.700 người bị cảnh sát bắt giữ cho đến thời điểm này, phần lớn đều còn rất trẻ. Những thanh niên xốc nổi này xem hành động phá hoại cực đoan là cách duy nhất để thể hiện tiếng nói. Đây không phải bệnh riêng của Anh. Với mức độ nặng nhẹ khác nhau, nhiều nước châu u đang lên "cơn sốt" vì một thế hệ không còn niềm tin vào tương lai của chính mình.
|
Từ Paris đến London
Thất nghiệp, thu nhập thấp, hoàn cảnh gia đình phức tạp..., thanh thiếu niên ở những khu phố nghèo tại châu u luôn là những quả mìn nổ chậm. Bạo động bùng lên thường với xuất phát điểm khá giống nhau: một thanh niên địa phương thiệt mạng sau khi đụng độ với cảnh sát. Tại Anh vừa qua, sự kiện Mark Duggan, 29 tuổi, bị lực lượng an ninh bắn chết chính là yếu tố kích hoạt bạo động. Hồi năm 2005, Pháp tơi bời khói lửa cũng bắt đầu từ việc 2 thanh niên trong lúc chạy trốn cảnh sát bị điện giật chết ở khu ngoại ô Clichy-sous-Bois, phía bắc Paris.
Không nhà cửa, không việc làm, không lương hưu, không sợ hãi |
||
Khẩu hiệu của “giới trẻ phẫn nộ” |
||
Tờ Le Monde dẫn lời nhà xã hội học Laurent Mucchielli nhận định những vụ bạo động đã phản ánh đúng thực trạng thanh thiếu niên xuất thân từ những khu nghèo luôn cảm thấy chịu nhiều bất công, không có tương lai ổn định nên rất dễ bùng nổ. Họ tụ tập lập băng nhóm, ngày càng tạo khoảng cách với xã hội, cả trong cách ăn mặc. Tại Pháp hay Anh, trang phục kiểu hip-hop với áo trùm đầu, quần thụng có thể xem là đặc trưng của thanh niên gốc Phi và gốc Ả Rập tại những khu vực phức tạp. Đặc biệt khi xảy ra các vụ lộn xộn, áo trùm đầu giúp những kẻ gây rối tránh bị nhận diện qua máy quay an ninh. Chính vì vậy, những thanh niên xuất thân là người nhập cư mặc loại trang phục này thường dễ bị cảnh sát nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm. Bị kỳ thị và hành động dẫn tới bị kỳ thị trở thành vòng luẩn quẩn mà nhiều thanh niên gốc nhập cư mãi không thể thoát ra được.
Pháp thường xuyên bị chỉ trích với truyền thống dồn người nhập cư vào các khu chung cư ở ngoại ô những thành phố lớn. Những khu này hình thành từ giai đoạn 1950-1970 với làn sóng nhập khẩu lao động, luôn có mức thu nhập bình quân thấp nhất còn tỷ lệ thất nghiệp lại cao nhất nước. Và đây cũng là điểm xuất phát của hầu hết các vụ bạo động kể từ sau Thế chiến 2. Nhiều đời chính phủ Pháp cũng đã cố gắng áp dụng các chương trình hòa nhập xã hội cho dân cư các "khu nhạy cảm". Những năm đầu thập niên 1980, đảng Xã hội vừa lên cầm quyền thực hiện hàng loạt biện pháp như tổ chức trại hè cho hơn 100.000 thiếu niên, mở các lớp hướng nghiệp, dạy nghề, quy hoạch lại các khu dân cư...
Tuy gặt hái được một số thành công, nhưng những biến chuyển xấu của nền kinh tế khiến các chương trình này như "muối bỏ bể" khi tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp ngày càng tăng. Từ 500.000 người năm 1974, đến năm 1985 số người thất nghiệp đã lên đến 2,5 triệu người. Từ đảng Xã hội ngày ấy đến đảng UMP hiện tại, chính quyền Pháp, cả tả lẫn hữu đã thử nghiệm nhiều kế hoạch, mềm mỏng có, cứng rắn có nhưng vẫn không tháo được "kíp nổ" bất ổn xã hội. Năm nào, nhẹ thì cũng có vài chục vụ đốt xe "nhân dịp" quốc khánh 14.7 hay giao thừa, nghiêm trọng hơn là các đợt bạo động hàng loạt như năm 2005, 2007...
|
Khác với Pháp, trước nay Anh vẫn tự hào về mô hình "hòa hợp xã hội", các khu phố giàu và nghèo xen lẫn vào nhau trong cùng một thành phố. Mô hình tưởng chừng khá lý tưởng này đã bị khủng hoảng kinh tế làm rạn nứt. Như ghi nhận của giáo sư Tony Travers thuộc trường London School of Economics trên Le Monde: tại khu Regent's Park ở ngoại ô London, tòa nhà xa hoa của những người giàu có chỉ ngăn cách với khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp bởi một con đường nhỏ. Bình thường, cả hai thế giới này tồn tại song song với nhịp sống khác nhau. Khi khủng hoảng kinh tế khiến đời sống khó khăn hơn, sự phồn thịnh ở "phía bên kia" sẽ trở thành mầm mống bất mãn của "phía bên này", vốn đang phải chật vật với những khoản trợ cấp thất nghiệp eo hẹp. Không chỉ thế, tại các khu phố tưởng chừng rất hòa hợp này, những người nghèo vẫn có thể trở nên cô lập. Do đó, nếu như bạo động ở Pháp thường dừng ở mức phá hoại thì tại Anh, bạo động thường đi kèm cướp bóc, hôi của.
Anh nhờ cậy chuyên gia an ninh Mỹ Thủ tướng Anh David Cameron ngày 13.8 thông báo đã mời chuyên gia an ninh người Mỹ Bill Bratton cố vấn về các biện pháp chống bạo động. Theo Reuters, ông Bratton từng là cảnh sát trưởng tại New York, Los Angeles, Boston và hiện đang điều hành công ty an ninh Kroll nên rất có kinh nghiệm đối phó với các vụ đụng độ lớn. Ông sẽ cùng Chính phủ Anh lập ra các chiến lược đối phó với bạo động xã hội và hoạt động của những băng nhóm tội phạm. London đang bị dư luận chỉ trích nặng nề vì những kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" cũng như cắt giảm nhân lực của ngành an ninh. Đây bị xem là một trong những nguyên nhân khiến bạo động có thể lan rộng trong tuần vừa qua. Tuy nhiên, BBC dẫn lời Bộ trưởng Tài chính George Osborne khẳng định sẽ không thay đổi các kế hoạch này. Đến nay đã có 5 người thiệt mạng, khoảng 1.700 người bị bắt và 700 người bị khởi tố sau đợt bạo loạn, còn thiệt hại kinh tế vẫn chưa thống kê được. |
Thế hệ "4 không"
Không chỉ những thanh niên gốc nhập cư sống tại những khu phố nghèo, cả những bạn trẻ bản xứ học hành đỗ đạt vẫn là nạn nhân của tình trạng thất nghiệp và bóng ma khủng hoảng tài chính đang ám ảnh châu u. Bắt đầu tại Tây Ban Nha ngày 15.5, phong trào biểu tình "dài hạn" tại những quảng trường trọng điểm trong các thành phố lớn đã lan sang Hy Lạp, Pháp, Ý... Với khẩu hiệu "Không nhà cửa, không việc làm, không lương hưu, không sợ hãi", những nhà tổ chức phong trào tự nhận là đại diện cho một "giới trẻ phẫn nộ". Theo thông cáo báo chí hồi đầu tháng 8 của Cơ quan thống kê châu u (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại các nước EU là 9,4%. Riêng với những người dưới 25 tuổi, con số này lên đến 20,5%, trong đó cao nhất là Tây Ban Nha (45,7%) và Hy Lạp (38,5%).
Ở những nước bị khủng hoảng nợ nặng nề nhất tại châu u như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, rất đông lao động trẻ rời giảng đường đại học với bằng cử nhân, kỹ sư nhưng không tìm được việc ổn định. Để có thu nhập, họ phải chấp nhận những công việc ngắn hạn, không khác gì thời còn là sinh viên: giữ trẻ, lái xe, thu ngân, phục vụ nhà hàng... Với đồng lương chỉ ở mức tối thiểu (500-600 euro), những thanh niên này cũng không được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Khi tham gia biểu tình dài hạn, "thế hệ 4 không" tại Tây Ban Nha phản đối cả hệ thống xã hội nói chung: các nghiệp đoàn không bảo vệ được quyền lợi người lao động, sự bấp bênh của công việc, khoảng cách giàu nghèo, tình trạng tham nhũng nhưng đặc biệt là cách đối phó khủng hoảng của chính phủ. Trong thăm dò mới đây trên tờ El Pais, cách hành xử của giới chính trị gia là nỗi lo thứ 3 của người dân Tây Ban Nha, chỉ sau thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế, xếp trên nhập cư lậu và khủng bố.
Các kế hoạch cắt giảm ngân sách tại nhiều nước châu u hiện nay phần lớn đều "xén bớt" phúc lợi xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc những người nghèo, thu nhập thấp phải trả giá nặng nề cho khủng hoảng, trong khi vào giai đoạn kinh tế phát triển, phần lợi nhuận cao nhất lại thuộc về một bộ phận nhỏ những người giàu có. Theo giáo sư Emmanuel Rodriguez thuộc Đại học Complutense (Tây Ban Nha), chính quyền các nước EU đang đặt lợi ích tài chính lên trên lợi ích con người, và giới trẻ chính là nạn nhân đầu tiên của vấn đề này.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)