Châu Âu ứng phó tư tưởng cực hữu cực đoan

Khánh An
Khánh An
09/12/2022 08:38 GMT+7

Đợt truy quét quy mô lớn nhằm vào một nhóm cực hữu âm mưu đảo chính tại Đức phản ánh nguy cơ trỗi dậy tư tưởng này tại châu Âu.

Đài DLF ngày 8.12 dẫn lời người đứng đầu cơ quan nội vụ bang Thuringia (Đức) Georg Maier dự báo giới chức nước này sẽ tiếp tục truy quét và bắt giữ thêm các nghi phạm trong vài ngày tới, liên quan nhóm cực hữu âm mưu lật đổ chính phủ Đức.

Cảnh sát đặc nhiệm Đức bắt giữ “thân vương” Heinrich XIII tại Frankfurt ngày 7.12

AFP

Sáng sớm 7.12, khoảng 3.000 cảnh sát bất ngờ khám xét hơn 130 ngôi nhà, văn phòng và nhà kho trên khắp nước Đức, cũng như tại Áo và Ý, và bắt giữ 25 người. Theo văn phòng công tố liên bang Đức, vẫn còn hàng chục nghi phạm khác liên quan băng nhóm âm mưu đảo chính có vũ trang.

“Thân vương” muốn làm vua

Theo các công tố viên, kế hoạch của nhóm cực hữu nói trên là đưa một người tự xưng là “hoàng tử” Heinrich XIII (71 tuổi) lên lãnh đạo quốc gia. Các nhà điều tra nghi ngờ một số thành viên trong nhóm có kế hoạch vũ trang xông vào trụ sở hạ viện (Bundestag) ở Berlin.

Nhóm cực hữu này bị ảnh hưởng bởi các thuyết âm mưu được truyền bá bởi hai phong trào Reichsbuerger và QAnon. Các thành viên của Reichsbuerger (Công dân của Đế chế) không công nhận nước Đức ngày nay là một quốc gia hợp pháp. Một vài người trong số họ tôn thờ Đế quốc Đức dưới chế độ quân chủ, trong khi một số người ủng hộ các ý tưởng của Đức Quốc xã và những người khác tin rằng nước Đức vẫn đang bị quân đội chiếm đóng.

Đức bắt giữ 25 nghi phạm âm mưu đảo chính bạo lực cực hữu giành chính quyền

Các công tố viên còn cho biết ông Heinrich, người sử dụng danh hiệu thân vương và xuất thân từ dòng dõi nhà Reuss, gia tộc từng cai trị các vùng phía đông nước Đức, đã liên hệ với một số đại diện người Nga. Tuy nhiên, Điện Kremlin nói Nga hoàn toàn không liên quan đến âm mưu lật đổ nhà nước Đức của nhóm này.

Làn sóng cực hữu

Theo cơ quan tình báo nội địa Đức, phong trào Reichsbuerger thu hút khoảng 21.000 người tham gia, với khoảng 5% thành viên được coi là những kẻ cực đoan cực hữu. Reuters dẫn lời giới công tố viên Đức cho hay trong số những người bị bắt còn có một cựu nghị sĩ, trong khi cơ quan chức năng còn điều tra một binh sĩ tại ngũ và một số quân nhân dự bị.

Giới phân tích cho rằng dù tư tưởng cực đoan cực hữu có lịch sử lâu đời tại châu Âu, sự liên quan của phong trào QAnon dẫn đến lo ngại tư tưởng này trỗi dậy ở châu lục. QAnon được cho là “thuyết âm mưu bao trùm” và có tính thích nghi cao đối với những bối cảnh chính trị mới, theo trang Grid. Do đó, QAnon đã cắm rễ ở châu Âu, nhất là tại Đức, khi được sự ủng hộ của những kẻ cực đoan cực hữu và theo chủ nghĩa Tân quốc xã. QAnon đang ngày càng thu hút sự chú ý, nhất là sau khi phong trào này lợi dụng việc một số người phản đối chính sách tiêm vắc xin và phong tỏa trong đại dịch Covid-19. Một báo cáo gần đây của Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) ghi nhận những mối đe dọa gia tăng nhằm vào các chính trị gia và giới chức y tế.

Theo báo Irish Independent, sự ủng hộ đối với các đảng theo Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (Eurosceptic) cũng là xu hướng đáng lo ngại. Trong năm nay, ứng viên cực hữu Marine Le Pen giành tỷ lệ đáng kể là 41% số phiếu trong bầu cử tổng thống Pháp. Còn tại Ý, liên minh cánh hữu do đảng Anh em Italia giành thắng lợi giúp bà Giorgia Meloni trở thành thủ tướng. Tại Thụy Điển, đảng cực hữu lớn nhất nước là đảng Dân chủ Thụy Điển cũng xếp thứ 2 trong tổng tuyển cử.

Nỗi lo QAnon

Hồi tháng 10.2021, vụ bắt cóc một bé gái tại Pháp do phong trào QAnon hậu thuẫn và dàn xếp gây xôn xao khắp châu Âu, được cho là tội ác đầu tiên tại châu lục này dính líu QAnon.

Trước đó vào năm 2020, đối tượng cực đoan cực hữu Tobias Rathjen nổ súng giết 11 người trước 2 quán bar có nhiều người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ tại Hanau (Đức), trước khi giết mẹ và tự sát. Cơ quan chức năng cho biết Rathjen là một người theo thuyết “đại thay thế”, giả thuyết cho rằng những người thiểu số tại Mỹ và châu Âu đang thay thế dần cộng đồng người da trắng, tư tưởng quen thuộc của QAnon. Trang Grid dẫn lời chuyên gia Colin Clarke tại Trung tâm Soufan (Mỹ) cho rằng vụ việc trên phản ánh mức độ tương đồng cao của tư tưởng cực đoan, nên QAnon lợi dụng điều này như “ký sinh trùng” bám vào các phong trào cực đoan khác và phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.