TNO

Cháu tôi thèm… đất

30/07/2014 13:43 GMT+7

(iHay) Dọc đường về quê, cu Cát, vừa 'tốt nghiệp' lớp 1, tròn mắt hỏi tôi: 'Cậu ơi, đất là gì vậy?'.

(iHay) Dọc đường về quê, cu Cát, vừa 'tốt nghiệp' lớp 1, tròn mắt hỏi tôi: 'Cậu ơi, đất là gì vậy?'.

>> Sao trẻ con xứ mình khổ sở thế này!

 
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt dạy trẻ nặn gốm tại khu làng nghề của Alba Thanh Tân (Huế) -  Ảnh: Thanh Thúy

Nhớ lại mấy ngày thăm em gái ở khu căn hộ cao cấp trong một thành phố lớn, tôi có khen hai bàn tay cu Cát sạch tưng, trắng mum, không như con nít ở quê vọc đất tối ngày, tay chân mình mẩy lúc nào cũng lấm lem. Lúc đó nó nhìn tôi ra chiều suy nghĩ nhưng không nói gì.

Giờ trên xe khách, xung quanh có người lớn tùm lum, nó lại đưa “vấn đề đất cát” ra hỏi. Thế có chết tôi không chứ? Những người ngồi cạnh ai cũng đang mỉm cười chờ câu trả lời của tôi. Ngại nhất là cô sinh viên ngồi bên cu Cát. Cô này có vẻ như cũng đang đợi tôi giải thích cái điều mà có thể cô cho là không dễ dàng gì.

Tôi trả lời cháu một cách lung tung, rằng đất là… nơi cây cối mọc lên, nhà cửa mọc lên, núi đồi mọc lên… Tưởng êm xuôi rồi, ai nhờ cu Cát thắc mắc: “Nhưng nhà cháu mọc lên từ gạch mà chú?”. “À thì là… gạch cũng… mọc lên từ đất”, tôi vội vàng lấp chỗ khuyết.

Thấy cu Cát có vẻ chưa chịu, cô sinh viên gỡ bí cho tôi. Nhưng trời ạ, gỡ bí thế này khác nào cô cùng với tôi đứng vào hàng ngũ những người đang bế tắc. Cô nói: “Đất là nơi cháu chạy chơi mỗi ngày đó”. Cu Cát cũng không chịu: “Hằng ngày cháu chơi trên nền bê tông, đi trên đường nhựa, sân nhà cháu cũng toàn gạch hoa, đâu có chơi trên đất?”.

Đúng rồi! Ngôi nhà của em tôi tuy có chút ít cây xanh nhưng dưới gốc là một lớp sỏi dày. Từ nhà tới trường là đại lộ phẳng lì. Có đi thăm thú đâu đó cùng ba mẹ thì cu Cát cũng chỉ loanh quanh mấy khu du lịch trong thành phố, bề mặt hầu hết toàn bê tông, xi măng. Chỗ nào trống thì cỏ phủ lên. Nó đâu biết đất là gì.

Xuống xe rồi cu Cát cũng không dứt ra được chuyện “đất cát”. Nó nói chắc là đất mềm lắm nên các bạn “con nit” mới vọc chơi mình mẩy lấm lem. Sau một hồi chắc là suy nghĩ lung lắm, cu Cát nói: “Cậu cho con làm con nít vọc đất lấm lem nha cậu”.

Tôi “ừ” và đồ rằng cháu tôi chưa bao giờ lấm lem. Tôi hơi giận khi nghĩ tới lời dặn của cô em: “Anh giữ nó cẩn thận nha. Gần khai giảng em về đón nó. Anh mà để nó bắt chước lũ trẻ quê, nghịch đất rồi sinh ghẻ, em bắt đền đó”.

Từ lộ vô làng, cu Cát tung tăng, nhảy chân sáo khi “phát hiện” con đường nâu nâu, vương vãi phân trâu bò vả rơm rạ dưới chân nó là… đất. Chưa được tiếng đồng hồ nó đã nhập vào lũ trẻ hàng xóm, chơi bán hàng, mua bán bằng “tiền” lá mít, chơi nấu cơm dưới giàn mướp.

 
Trẻ thành thị không tiếp cận được đất nên 'chơi' với đất sét nặn gốm - Ảnh: Hồng Thắm

Rồi nó tha thẩn bên bờ giậu hái bông bụt, bắt chuồn chuồn, mê mải nhìn theo đàn bướm mấy chục con với những chấm màu xanh, đen, vàng chấp chới bên bờ ruộng.

Nhưng thứ cu Cát thèm nhất vẫn là… đất. Nó giã từ 6 năm sạch sẽ, vô trùng ở phố nhẹ như không. Mấy đứa trẻ quê bày cu Cát đủ trò: nhào nặn đất bùn nhão nhoẹt làm trái cam, trái ớt, trái khế; đúc bánh căn, bánh xèo cũng bằng đất.

Tới bữa, nhà tôi “chăn” nó về ăn cơm, thấy chân tay mình mẩy lấm lem, tôi kéo ra ảng nước. Nó không chịu, vùng chạy ra mương kỳ cọ như cách mà những đứa trẻ quê… chân chính vẫn làm. Nó ăn gấp đôi nhà mẹ, mặt mày hân hoan sung sướng lắm.

Ăn xong, nó ra chái bếp “chơi” một gáo nước lạnh như lũ bạn mà nó mới quen. Nói thật, nhìn nó hoạt bát, lanh lẹ, “sương gió”, làn da trắng nhỡn giờ hồng hồng do bắt nắng, tôi thấy vui vui. Buổi tối nó khoe với tôi là đã biết con đóm đóm, con chim chốc hoạch, con cu cườm, biết con ếch khác con nhái ra sao, biết thế nào là mít ướt, mít ráo, biết thế nào là chùm khế ngọt, biết vì sao sách viết “tre kêu kẽo kẹt”…

Thôi chết! Cô em tôi mà hay được, chắc nó la làng: “Người ta rũ bùn lên phố. Còn anh xúi cu Cát của em rũ phố xuống… bùn”.

Mẹ cu Cát xuống quê. Cu cậu ríu rít khoe với mẹ đủ thứ hay ho mà nó “trải nghiệm” gần hai tuần nay. Em tôi nhìn con trân trân. Nó phụng phịu nói em đã dặn anh rồi, sao anh để nó thế này, sao anh để nó thế nọ.

Tôi nói ngày xưa em cũng chơi gánh gáo dừa, dang nắng “bán hàng” suốt ngày, tóc khét như cao su gặp lửa. Em cũng chơi vọc đất, đổ bánh đa, bánh đúc suốt buổi. Thậm chí em còn men ra mé ao, lấy cành tre khều  bông súng, bị ba đánh đòn, bắt quỳ… Em còn quá cha thằng cu, ở đó mà la mắng nó.  Rồi em cũng bác sĩ, cũng vớ được anh chồng kỹ sư, cũng nhà cửa hoành tráng như ai…Em đừng có… phi tang tuổi thơ nghen. Đẹp lắm đó.

Em tôi kêu lên: “Nhưng mà…”. Tôi ngắt: “Không nhưng nhị gì hết. Phố thì cứ phố nhưng đừng xa lạ gốc rạ quê mình”.

Trần Cao Duyên


>> Thông điệp hòa bình trong 'Chuyện trẻ con, ngắn lắm
>> Sao nhí cũng chỉ là trẻ con
>> Ghế cho trẻ con lạ nhất quả đất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.