Chậu trồng cây thân thiện với môi trường là ý tưởng sáng tạo của 2 em Trần Nhựt Hào và La Thế Trân, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Khuyến (H.Thoại Sơn).
Trân cho biết do sinh sống ở vùng quê nên em thường xuyên thấy bã mía từ các xe nước mía chất thành đống; vườn chuối sau khi thu hoạch phần thân bị đốn bỏ dễ gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, Trân và Hào nảy sinh ý tưởng tận dụng 2 loại phế phẩm này làm ra chậu trồng cây, lọ ươm cây góp phần bảo vệ môi trường sống.
Để làm thành chậu trồng cây, trải qua nhiều bước như: bã mía với thân chuối đem băm nhỏ, phơi, xay nhuyễn thành bột, trộn với bột keo và chất kết dính, nhồi đều tay, tạo hình, đem phơi từ 2 - 3 ngày, sơn màu, trang trí.
"Việc lựa chọn khung để làm lọ ươm cây cũng khó khăn, chúng em đã thử qua nhiều chất liệu khuôn từ nhựa, xi măng, inox nhưng sản phẩm làm ra không đẹp, tính thẩm mỹ không cao. May mắn nhận được sự hỗ trợ từ một tiệm giúp thiết kế khuôn sắt theo đúng ý tưởng của tụi em", Trân nói.
Sản phẩm làm từ phế phẩm nông nghiệp đem lại nhiều công dụng khi trồng cây. Khi cây phát triển, rễ dễ dàng đâm xuyên qua lớp chậu xuống đất để tiếp tục phát triển mà không cần phải thay chậu. Sau thời gian trồng, sản phẩm tự phân hủy, tiếp tục cung cấp chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng.
Chi phí làm chậu, lọ ươm từ phế phẩm chỉ có giá vài ngàn đồng, nhưng có tính ứng dụng cao, khả năng giữ độ ẩm và dinh dưỡng thiết yếu cho cây, giảm lượng nước tưới. Hiện, sản phẩm được nhà trường sử dụng trồng, ươm cây khắp khuôn viên trường.
Nhựt Hào cho biết sử dụng thân chuối, bã mía là nguồn nguyên liệu xanh để tạo ra những chậu trồng cây, lọ ươm, nhóm muốn gửi gắm, truyền đi thông điệp tiêu dùng xanh, hạn chế rác thải nhựa. Về kế hoạch sắp tới, nhóm mong muốn chuyển giao kỹ thuật làm chậu từ phế phẩm nông nghiệp cho nông dân để giúp tiết kiệm chi phí mua lọ ươm cây giống…
Với tính hữu dụng trong cuộc sống và thân thiện với môi trường, sản phẩm chậu kiểng làm từ bã mía và thân cây chuối đạt giải nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2022 - 2023 tỉnh An Giang; giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2022 - 2023.
Cô Lê Thị Thanh Hoa, giáo viên hướng dẫn, cho biết khi triển khai thực hiện dự án, cô trò gặp không ít khó khăn, nhưng làm tới đâu tháo gỡ tới đó. Cô hy vọng rằng, dự án của các em sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển sản phẩm ra thị trường, hiện thực hóa ý tưởng biến rác thải thành sản phẩm có ích, thân thiện với môi trường.
Bình luận (0)