[VIDEO] 2 tháng sau thảm họa, Carina Plaza bây giờ ra sao
|
Sáng 14.6, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) đã tổ chức buổi “chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cấp cứu, chữa trị bệnh nhân bỏng trong thảm họa cháy chung cư Carina Plaza”.
Chương trình có sự tham dự của Cảnh sát PCCC TP, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Trung tâm cấp cứu 115 và 8 BV có liên quan trong công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Thiếu vị trí chỉ huy
Bác sĩ (BS) Đỗ Ngọc Chánh, Trung tâm cấp cứu 115 TP kể: Lúc 1 giờ 40 phút rạng sáng 23.3, tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 nhận được cuộc gọi của người dân báo có vụ cháy chung cư Carina Plaza ở Q.8 và tổng đài viên đã liên thông cuộc gọi với tổng đài 114. Chỉ sau 3 phút, kíp cấp cứu 115 lên đường. Lúc đó kíp trực lập tức báo cáo lãnh đạo trung tâm và điều động các trạm vệ tinh: Q.6, Q.8, Triều An, BV Nguyễn Tri Phương, BV Sài Gòn… đến hiện trường hỗ trợ.
|
15 phút sau, xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 tiếp cận hiện trường. Một điều dưỡng trưởng của ê kíp trực tiếp chỉ huy cấp cứu; mặt trước chung cư bố trí 4 xe cấp cứu; mặt sau 2 xe và sau đó trung tâm điều thêm 2 xe; phân công xe cấp cứu BV Nguyễn Tri Phương đưa tử thi về trung tâm pháp y…
Theo BS Chánh, rà soát lại quy trình từ khi tiếp nhận cuộc gọi cho đến khi triển khai đến các ban, ngành khác cho thấy sự phối hợp giữa lực lượng 114, 115 và lực lượng 113 là chưa chặt chẽ. Tại hiện trường, lực lượng 15 không biết phối hợp với ai ở 114; Hình ảnh nhận diện chỉ huy sự cố ở hiện trường nằm ở đâu; Ai là chỉ huy; Làm thế nào nhận diện nhau khi ra hiện trường tương đối hỗn loạn...
“Ngoài ra, Trung tâm cấp cứu 115 còn phải đếm, ghi nhận số lượng nạn nhân bằng tay, rất thủ công. Thiếu bộ phận tiếp dân để trấn an, thông tin và thông báo nên nạn nhân tìm nhau rất khó. Số liệu báo cáo không đồng nhất. Trung tâm cấp cứu 115 chưa có hình ảnh nhận diện ngoài cộng đồng đó là xe chỉ huy (chưa được trang bị)”, BS Chánh nói và cho biết thêm, sắp tới Trung tâm cấp cứu 115, sẽ xây dựng một kịch bản cấp cứu thảm họa lớn hơn; bổ sung và chỉn chu kế hoạch ứng phó những vụ việc tương tự.
|
BS Võ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cũng cho rằng với việc cứu hộ, cứu nạn, khi các lực lượng tiếp cận hiện trường, cần thành lập Trạm chỉ huy để điều phối, phối hợp giữa lực lượng 113, 114, 115, chữ thập đỏ và thậm chí là phân loại, điều phối bệnh nhân về BV nào là tốt nhất. Hiện nay chưa có sự phối hợp này.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng cứu hộ, cứu nạn - Sở Cảnh sát PCCC TP cho rằng, khi tiếp nhận hiện trường, việc đầu tiên của Cảnh sát PCCC là cô lập hiện trường, khống chế ngọn lửa và hướng dẫn cứu nạn. “Chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm là khi cháy tại các tòa nhà cao tầng, các nạn nhân phải thoát ở các lối thang bộ để ra nơi an toàn. Nhưng đối với vụ cháy ở chung cư Carina, thang bộ là nơi có độc khí nhiều nhất do các cửa kín buồng thang bộ đều mở, khói độc từ tầng hầm vào buồng thang bộ. Đặt ra trường hợp buồng thang bộ bị nhiễm khí độc thì xử lý thế nào? Chúng tôi đã đưa ra các tình huống khác và sắp tới sẽ tuyên truyền cho người dân ở chung cư, tòa nhà cao tầng”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn cũng thừa nhận hạn chế trong vụ cứu nạn cháy chung cư Carina Plaza là chưa xác định và nhận dạng được đâu là vị trí chỉ huy để liên hệ thực hiện nhiệm vụ phối hợp. Cũng theo ông Tuấn, để làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn thì các lực lượng nên có cơ chế phối hợp.
Nhiều bài học
BS Đỗ Ngọc Chánh, Trung tâm cấp cứu 115 TP cho rằng, sang chấn tâm lý của nhân viên y tế sau thảm họa chưa được quan tâm. Nhiều nhân viên sau vụ cháy về nhà căng thẳng, mất ăn, mất ngủ nhiều tuần. Anh em tự an ủi lẫn nhau và qua khỏi.
Đồng quan điểm, BS Phan Văn Nghiệm, Phó giám đốc BV Nguyễn Tri Phương cho rằng thảm họa ở TP từng xảy ra như vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), quan trọng nhất là nhân viên y tế phải an toàn khi cứu nạn và sau khi về không bị sang chấn tâm lý. Bên cạnh đó là phải làm cho nạn nhân an tâm; nhiều khi nạn nhân chết không phải do ngạt, chấn thương mà do lo lắng.
Tại buổi chia sẻ, các đại biểu cũng quan tâm đến việc thống nhất một người phát ngôn để cung cấp thông tin chính xác cho báo chí tránh gây hoang mang dư luận. Bên cạnh đó, ngành y tế nên trang bị cho các BV đa khoa máy nội soi hô hấp để cấp cứu, hỗ trợ tốt cho bệnh nhân bỏng đường hô hấp.
Theo PGS-TS Trần Minh Trường, Phó giám đốc BV Chợ Rẫy, với tốc độ xây dựng như hiện nay, tiên lượng còn có thể tiếp tục xảy ra những vụ cháy chung cư và người dân bị bỏng do cháy chung cư... Chia sẻ kinh nghiệm là nhằm xử lý cấp cứu, điều trị giữ mạng sống, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân nếu gặp phải những tình huống tương tự.
PGS - TS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc BV Chợ Rẫy kết luận, phải xây dựng được kế hoạch để đáp ứng cấp cứu thảm họa và thiên tai. Trong cấp cứu thảm họa thì người chỉ huy là quan trọng nhất nhằm báo cáo, điều phối, phát ngôn. Sau đó là điều trị tâm lý sau chấn thương.
Vụ cháy chung cư Carina Plaza xảy ra vào rạng sáng 22.3 khiến 13 người tử vong và hơn 100 người nhập viện điều trị. Riêng BV Chợ Rẫy tiếp nhận tổng cộng 13 bệnh nhân (trong đó có 1 chiến sĩ cảnh sát PCCC).
Tổng chi phí điều trị cho 13 bệnh nhân này là hơn 1 tỉ đồng, tuy nhiên, chỉ có 2 bệnh nhân được bảo hiểm y tế trả trên 70 triệu đồng, 11 bệnh nhân còn nợ viện phí trên 965 triệu đồng. BV đang xin ý kiến của Sở Y tế và UBND TP về vấn đề này. Trong đó có một bệnh nhân điều trị với số tiền lên đến 576 triệu đồng.
|
Bình luận (0)