Từng có quyết định theo làn sóng bỏ phố về quê trong đợt dịch Covid-19 nhưng Khánh Huy (27 tuổi) tìm được tương lai của mình ở rẫy cà phê của gia đình còn Mai Anh (30 tuổi) trở lại TP.HCM nộp đơn xin việc, vì "ở quê khó kiếm tiền".
Cảm thấy áp lực, kiệt sức
Vài năm trở lại đây, xu hướng "bỏ phố về quê" để chạy trốn sự xô bồ, áp lực công việc trở nên phổ biến.
Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm mang tên "Bỏ phố về rừng" hay "Bỏ phố về biển" thu hút hàng trăm nghìn thành viên. Hashtag #bophoveque trên TikTok đều thu hút hơn 140 triệu lượt xem. Trên Internet, có đến 36,4 triệu kết quả hiển thị trong 0,32 giây về cụm từ "bỏ phố về quê".
Mai An từng nhiều lần chán nản bởi công việc "chôn chân" ở văn phòng một ngày 8 tiếng. Cô gái nhiều ấp ủ kế hoạch bỏ việc tìm một con đường mới nhưng chưa có cơ hội để thực hiện. Từ đầu năm 2020, mạng xã hội chia sẻ nhiều câu chuyện bỏ phố về quê của dân thành thị. "Nhiều người có điều kiện thì mua đất làm vườn, có người lại bắt đầu ngay trên mảnh đất của gia đình", Mai An kể. Vốn liếng duy nhất mà cô có đó là mảnh vườn đang trồng rau, bắp của ba mẹ và tinh thần "bàn tay ta làm nên tất cả".
Song, sự hưng phấn kéo dài không bao lâu. Bỏ việc về quê, Mai An nhận ra bản thân chẳng biết gì về nông nghiệp. Ngay cả việc cuốc đất lên luống, làm cỏ cũng chẳng quen đụng tay. Từ nhỏ đến lớn chỉ đi học rồi làm việc ở thành phố.
"Ra vườn được ít hôm thì da mình đen nhẻm, mặt nổi đầy mụn. Ở một huyện nhỏ miền núi tỉnh Quảng Trị việc mua một sản phẩm chăm sóc da cũng trở nên khó khăn. Chưa kể, ở quê nhà ai cũng trồng rau màu, được mùa thì giá rẻ lắm, tiền lời chả bõ công", cô gái kể.
Thăm dò ý kiến
Ban đang quan tâm những "trend" gì?"
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Chưa tròn nửa năm, cô gái khăn gói vào lại TP.HCM để nộp hồ sơ xin việc và làm lại từ đầu vì số tiền tiết kiệm ít ỏi sau bao năm đi làm đã xài hết.
Chẳng cần phải có những quyết định táo bạo mang tính đánh đổi như Mai An, Nguyễn Thị Hằng (22 tuổi) ngụ TP.HCM chỉ cần làm theo hashtag #NhatKyTheThao trên TikTok - một ví dụ về việc nội dung trên mạng xã hội thúc đẩy hành động ngoài đời thực thu hút 3,4 tỷ lượt xem. Theo đó, người làm theo hashtag này chỉ cần ở nhà, quay video tập luyện, quá trình thay đổi ngoại hình…
Giữa hàng trăm nghìn video của người tham gia là những người tập luyện thể thao chuyên nghiệp, lâu năm. Một cô gái mới nhập hội như Hằng cảm thấy choáng ngợp.
"Có hôm, vì cố gắng hoàn thành mục tiêu đề ra để quay video, mình đã tập quá sức nên rất mệt mỏi. Tôi có cảm giác mình phải cố gắng để trở thành bản sao hoàn hảo của ai đó đang nổi tiếng trong trào lưu này. Tôi thấy mình không có bất cứ một giá trị riêng nào", Hằng nói.
Sau đó, cô gái quyết định ngừng tham gia thử thách, ngừng truy cập vào TikTok, điều này khiến cô cảm thấy giải tỏa hết những stress trước đó.
Hạnh phúc khi tìm được tương lai mới
Giữa vô vàn trào lưu mới và bản thân bị cuốn theo mỗi ngày, Thanh Duy (25 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) cảm thấy may mắn và rất hài lòng vì tìm được "lẽ sống" trên mạng xã hội.
Thanh Duy cũng theo đuổi thử thách giống Nguyễn Thị Hằng, nhờ thế một người từng lười vận động như anh biết được tầm quan trọng của thể thao với sức khỏe. Hằng ngày, việc làm theo những thử thách tập luyện khiến chàng trai làm trong ngành công nghệ thông tin cảm nhận sự thay đổi rõ rệt của bản thân.
Khác với Hằng, Duy không chạy theo và rập khuôn với những quy định mà hashtag đưa ra. Thay vào đó, anh chọn lọc những gì hợp với mình, tập luyện trong khả năng và không gò ép bản thân.
"Những thử thách giúp bản thân rèn tính kỷ luật, thay đổi từng chút những thói quen mỗi ngày. Ngoài ra, việc xem các video với nội dung tương tự cũng giúp Duy có niềm động lực để tập luyện thể thao.
Cũng giống Thanh Duy, Khánh Huy (27 tuổi) nhanh chóng tìm được niềm vui khi trở thành một phần của trào lưu. Chàng trai đã tìm thấy niềm vui từ rẫy cà phê của gia đình sau khi bỏ phố về quê. Từ việc thấy cha mẹ thường xuyên bị thương lái ép giá cà phê thô, Huy quyết tâm lập kế hoạch sản xuất cà phê thương phẩm để bán với giá cao hơn.
Huy thừa nhận ở quê khó kiếm tiền hơn, vì thế ngoài thời gian phụ gia đình làm rẫy, anh còn bán thêm mật ong, tinh bột nghệ… để trang trải cuộc sống.
"Làm vườn phải tốn nhiều sức lực, đòi hỏi mọi người phải có sức khỏe tốt và tinh thần chịu khó. Nếu chưa xác định được rõ mục tiêu thì mình khuyên các bạn không nên về quê một cách bốc đồng", Huy chia sẻ.
Từng làm trong ngành môi giới bất động sản nhiều năm, giờ đây Huy gần như khởi nghiệp với con số 0 trong ngành chế biến cà phê. Chàng trai tự mày mò quy trình rang xay hiệu quả, tham gia nhiều lớp học, buổi chia sẻ về kinh doanh cà phê để học hỏi kinh nghiệm.
"Tuy chưa có gì gọi là thành công, nhưng bản thân mình tìm được niềm vui trong cuộc sống và công việc. Ấp ủ nhiều kế hoạch phát triển kinh tế cho gia đình đi đôi với việc phải đối diện nhiều thử thách, nhưng điều đó khiến mình hài lòng", Huy chia sẻ.
Bình luận (0)