đồ họa: phúc hải |
CNN hôm qua (18.10) đưa tin nhiều nước đang chạy đua đặt mua thuốc chữa Covid-19 nhằm tránh tình trạng khó mua như vắc xin. Phân tích của Công ty Airfinity (Anh), chuyên phân tích khoa học và y tế, cho thấy ít nhất 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký thỏa thuận hoặc đang đàm phán mua, phần lớn tại châu Á - Thái Bình Dương như Úc, New Zealand và Hàn Quốc, những nước từng khá chậm trong triển khai tiêm vắc xin Covid-19. Giới chuyên môn cảnh báo rằng việc nhiều nước chạy đua mua thuốc chữa Covid-19 có thể dẫn đến việc các nước giàu đầu cơ, trong khi các nước thu nhập thấp sẽ khó mua được.
Thuốc viên, xịt mũi - họng: những dược phẩm mới hứa hẹn điều trị Covid-19 dễ dàng, rẻ tiền hơn |
Theo bà Rachel Cohen, Giám đốc Tổ chức Drugs for Neglected Diseases Initiative (Thụy Sĩ), các thuốc chữa Covid-19 như Molnupiravir thực sự có tiềm năng tạo nên thay đổi trong cuộc chiến chống đại dịch. Bệnh nhân có thể được chữa trị ngay khi được chẩn đoán dương tính để tránh bị bệnh nặng. Bên cạnh đó, những loại thuốc uống có thể mua về nhà, giúp các bệnh viện tập trung vào việc chăm sóc bệnh nhân nặng. Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho rằng các thuốc chữa Covid-19 đem lại hy vọng cứu mạng tại những khu vực có nhiều người chưa tiêm vắc xin và dễ mắc bệnh.
Hãng Merck đang xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir chữa Covid-19 |
Reuters |
Ngoài khó khăn trong việc mua, dự báo các nước nghèo cũng gặp thách thức trong phân phối thuốc. Việc sử dụng sớm sẽ giúp thuốc có hiệu quả cao, nhưng nhiều người dân các nước này không được xét nghiệm kịp thời. Theo bà Leena Menghaney thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới, việc sản xuất là đơn giản nhưng vấn đề bằng sáng chế khiến việc phân phối, giá cả thuốc hoàn toàn phụ thuộc vào các hãng dược. Thế nhưng, dù từng có nhiều người từng kêu gọi miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19, nhưng một số nước không đồng ý. Bên cạnh đó, tờ The New York Times dẫn lời chuyên gia John Amuasi tại Trung tâm Kumasi về phối hợp nghiên cứu dược nhiệt đới (Ghana) cho rằng giá cả là một trở ngại khác, khiến các nước nghèo khó có thuốc sớm.
Châu Âu bắt đầu đánh giá hiệu quả hỗn hợp kháng thể của AstraZeneca |
Phó giáo sư Sanjaya Senanayake (Đại học Quốc gia Úc) cảnh báo rằng việc phân phối thuốc chữa Covid-19 không công bằng sẽ dẫn đến nguy cơ đại dịch thiếu kiểm soát ở một số nước, kèm theo khả năng xuất hiện một biến chủng mới kháng vắc xin. Trong khi đó, một thông tin lạc quan về thuốc chữa Covid-19 là Hãng Merck (Mỹ) có kế hoạch công bố nhiều mức giá khác nhau cho các nước và đang thỏa thuận nhượng quyền với những nhà sản xuất thuốc gốc để tăng tốc cung cấp cho 104 nước thu nhập thấp và trung bình sau khi thuốc được chứng nhận.
Mỹ cân nhắc tiêm mũi bổ sung cho vắc xin J&J
Ngày 18.10, Trưởng cố vấn y tế Anthony Fauci của tổng thống Mỹ dự đoán cơ quan y tế sẽ sớm ra quyết định về việc sử dụng vắc xin khác để tiêm bổ sung cho người đã tiêm vắc xin Covid-19 của Johnson & Johnson (J&J), theo Bloomberg. Vắc xin của J&J chỉ tiêm một mũi duy nhất.
Tuần trước, tổ chuyên gia cố vấn cho Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ủng hộ việc tiêm liều bổ sung cho những người đã tiêm J&J, 2 tháng sau khi tiêm lần đầu. Theo ông Fauci, FDA có khả năng sẽ cân nhắc sử dụng một loại vắc xin công nghệ mRNA (Pfizer hoặc Moderna) để tiêm bổ sung. “Nếu bạn tiêm bổ sung cho người đã tiêm J&J bằng Moderna hoặc Pfizer, nồng độ kháng thể sản sinh là cao hơn nhiều so với tiêm bổ sung bằng J&J”, ông Fauci dẫn số liệu cho hay. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng FDA sẽ xem xét toàn bộ dữ liệu trước khi đưa ra quyết định phê duyệt.
Bảo Vinh
Bình luận (0)