Chuyển biến ở những "điểm nóng"
Với những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, công tác triển khai hoạt động phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp tại các địa phương được xem là "điểm nóng" đang có sự chuyển biến tích cực.
Tại Nam Định, song song với công tác tuyên truyền, ngành chức năng của tỉnh tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ tàu cá. Theo số liệu thống kê, tính đến nay trên toàn tỉnh, số tàu cá đã được đăng ký là 1.230/1.230 chiếc; đánh dấu tàu cá là 1.219/1.230 chiếc, tỷ lệ đạt 99,11%; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 496/545 chiếc, đạt 91,01%. Số tàu cá dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) là 539/545 chiếc, đạt tỷ lệ 98,90%; số tàu cá còn lại chưa lắp thiết bị VMS do tàu ngừng hoạt động nằm bờ, tàu chưa hoạt động… Hiện nay tỉnh Nam Định còn 27 tàu cá "3 không" (không đăng ký, không có đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản) có chiều dài từ 12 m trở lên chưa đăng ký, cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục triển khai rà soát các tàu cá "3 không" trên toàn địa bàn để thực hiện các thủ tục đăng ký tàu cá theo quy định.
Tại Bình Định, Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu chấm dứt. Công tác thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ chưa hiệu quả, chưa xử lý được các trường hợp tàu cá mất kết nối VMS trên 6 giờ khi hoạt động trên biển. Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản tiếp tục rà soát, kiểm tra và hướng dẫn thủ tục đăng ký tàu cá theo quy định.
Đối với nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài (có chiều dài từ 12 đến dưới 15 m) làm nghề câu mực thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía nam, hằng năm không về địa phương, yêu cầu lắp đặt thiết bị VMS theo chỉ đạo của tỉnh Bình Định; nếu không lắp đặt thì tạm thời thu hồi giấy phép, đồng thời tạm dừng việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá này. Chỉ thực hiện cấp và cấp lại giấy phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá này sau khi đã lắp đặt thiết bị VMS.
Trong cuộc họp đánh giá công tác gỡ thẻ vàng IUU được tổ chức mới đây, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), thông tin: Hiện các tàu cá đã lắp thiết bị VMS đạt tỷ lệ 98,43%; đối với các tàu chưa lắp, các địa phương cơ bản đã quản lý. Từ đầu năm đến ngày 31.7, tàu mất kết nối VMS còn diễn ra ở các địa phương như: Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận… Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm còn chậm, chủ yếu là cảnh cáo và nhắc nhở, việc xử phạt còn hạn chế. Nhiều địa phương sau khi xử phạt, việc cập nhật lên hệ thống còn chậm…
Để đáp ứng năng lực quản lý và công tác chống khai thác IUU có hiệu quả và sớm tháo gỡ thẻ vàng, Cục Thủy sản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương cùng vào cuộc quyết liệt để xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm; cơ sở pháp lý cơ bản đã đầy đủ thì đề nghị đưa ra xét xử, truy tố những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần bố trí vốn, nguồn lực để nâng cấp hệ thống VMS và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia nghề cá thành một hệ thống quản lý chung đồng bộ, đầy đủ các tính năng phục vụ công tác giám sát tàu cá; tập trung giám sát hành trình đối với tàu cá, nhất là tại các địa phương có đội tàu cá lớn như Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận.
Vẫn còn nhiều bất cập
Ngày 14.8, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT báo cáo về những bất cập trong quá trình triển khai thực thi các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Theo VASEP, hiện nay tình hình tàu khai thác mất kết nối dữ liệu hành trình vẫn còn nhiều. Có một thực trạng là doanh nghiệp (DN) trong một số trường hợp dù đã nỗ lực tối đa, nhưng vẫn không thể nắm chắc hay kiểm tra được nguyên liệu thu mua là hợp pháp hay không hợp pháp.
Quy định hiện hành không cho DN được kiểm tra giám sát hành trình của tàu cá hoặc dữ liệu giám sát hành chính, mà chỉ có ban quản lý cảng cá và chi cục thủy sản được cấp sử dụng. Vì vậy, DN luôn ở thế bị động. Chủ tàu cá và đại lý thu mua luôn có các đầu mối tiêu thụ khác không cần đến giấy S/C (giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác), nên các chủ thể này ở một số nơi đã không hợp tác, hỗ trợ để DN có được đủ thông tin, chứng từ phục vụ việc làm giấy S/C khi mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu sang EU.
Một bất cập khác được VASEP ghi nhận liên quan đến hệ thống truy xuất nguồn gốc khai thác điện tử (eCDT). Từ ngày 1.7.2024, eCDT được triển khai cho 100% tàu cá ra vào cảng, bao gồm việc thu nộp nhật ký khai thác thủy sản và giám sát sản lượng bốc dỡ. Các cảng cá yêu cầu ngư dân khi vào cảng sẽ phải khai báo thông tin sản lượng trên ứng dụng (app) điện thoại, không chấp nhận khai báo trên giấy. Nhưng hiện nhiều ngư dân không chịu vào app điện thoại để khai báo thông tin sản lượng. Vì vậy, DN không thể làm thủ tục xin giấy S/C được. Trong tháng 7.2024, nhiều cảng cá không cấp giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản và giấy S/C cho nguyên liệu thủy sản khai thác. Các cơ sở thu mua nguyên liệu bán cho DN cũng không hợp tác. Vì vậy, DN rất khó có được thông tin ở các khâu trước (tàu và chủ tàu) để khai báo.
Tương tự quy định, tàu cá trên 15 m mới phải gắn thiết bị VMS, tàu dưới 15 m không phải lắp. Hiện phần mềm eCDT yêu cầu cập nhật thông tin của tàu có lắp đặt VMS. Do đó, khi DN mua nguyên liệu từ các tàu cá dưới 15 m thì không cập nhật được thông tin trên eCDT nên DN không thể làm thủ tục xin giấy S/C được.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, kiến nghị: "Để hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc (eCDT) thực hiện hiệu quả và giúp ích cho cả cơ quan quản lý và DN, VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét bổ sung 2 chủ thể là tàu thu mua và nậu vựa vào phần mềm eCDT này. Cục Thủy sản cần tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân việc nạp dữ liệu nguồn đầu vào chính xác, có đội ngũ hỗ trợ tại các cảng cá để giải đáp thắc mắc và hỗ trợ chủ tàu khai thác trong quá trình sử dụng hệ thống và cập nhật thông tin để các khâu sau không bị vướng mắc. Đồng thời yêu cầu tất cả các khâu thẩm tra tàu IUU phải hoàn thành trước khi tàu vào cảng. Khi DN xác nhận mua nguyên liệu từ tàu A trên phần mềm và chuyển sang xin cấp S/C thì được ban quản lý cảng cá xác nhận luôn S/C".
Đoàn EC sắp sang VN để kiểm tra đánh giá việc thực thi pháp luật, chống khai thác hải sản bất hợp pháp và không theo quy định, nên đây là nhiệm vụ đặc biệt cần sự chung tay, phối hợp của bộ, ngành, đơn vị, các địa phương và ngư dân cả nước. Về tàu cá "3 không", nếu có một đơn vị, một địa phương nào không làm quyết liệt thì những địa phương khác làm quyết liệt cũng trở thành bằng không. Do đó có chủ trương quán triệt thì tất cả các địa phương cần phải quyết tâm, cương quyết như nhau, không để xảy ra tình trạng tỉnh này không cho tàu vào cảng thì sẽ sang tỉnh khác hoạt động.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan
Bình luận (0)