[VIDEO] Rơi nước mắt vì không được về quê ăn tết
|
Trong chương trình họp mặt sinh viên (SV) đón tết xa nhà do Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức, 2.000 SV tham dự thì có đến hơn 60% trường hợp đã hơn 2 năm chưa về quê đón tết.
|
“Em đã xác định ở lại thì đừng yếu đuối mà tập trung làm việc, nhưng không hiểu sao, hôm nay ngồi trong chương trình này, nghe những giai điệu xuân mà không kìm được lòng”, Trần Thảo Nguyên, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ.
Cũng nghĩ mình mạnh mẽ, hơn nữa đã 4 cái tết rồi chưa về nhà, nghĩ chắc đã quen dần, nhưng Võ Văn Thưa (quê Quảng Ngãi), SV Trường CĐ Công thương TP.HCM, vẫn thấy khóe mắt cay cay: “Thật ra em nghĩ bạn nào cũng sẽ giống em thôi. Tết mà, ai cũng mong đoàn tụ bên gia đình, nhưng vì hoàn cảnh chứ tụi em cũng đâu ai muốn, nên những lúc thế này chạnh lòng lắm ạ”.
Từ ngày đi học xa nhà đến giờ, Thưa chưa biết tết là gì. Gia đình khó khăn, bố phải “tha hương cầu thực” vào miền Tây bán hủ tiếu để nuôi mấy anh em ăn học. Thấu được những nỗi vất vả của gia đình nên bình thường ngoài giờ học Thưa đi làm thêm kiếm tiền lo trang trải cuộc sống, tết thì ở lại làm để lo học phí cho kỳ học sau.
Nhưng vì muốn ba về quê ăn tết, cũng như lo cúng bái ông bà nên Thưa không làm thuê ở TP.HCM mà xuống Bến Tre bán hủ tiếu thay ba. “Ở TP.HCM đắt đỏ, không đủ tiền thuê chỗ bán nên ba em phải bán dưới Bến Tre. Người ta về Bến Tre ăn tết nhiều nên bán rất đông khách, nghỉ bán những ngày này tiếc lắm ạ. Vì thế mà một mình em “cân” cả xe hủ tiếu để kiếm tiền”, Thưa nói.
4 năm rồi, năm nào Thưa cũng tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng làm rồi dành tiền để về quê ăn tết, nhưng đến giờ vẫn chưa làm được. “Mẹ năm nào cũng mong, em phải giải thích là nếu về quê ăn tết thì tiền vé xe cũng mất gần 2 triệu đồng, về lại đi chơi với bạn bè cũng tốn không ít. Nên thôi, mẹ để con ở lại bán ít ngày rồi ra tết lúc nào việc học rảnh rỗi con lại về chơi với mẹ. Nhưng lần nào mẹ cũng khóc, em cũng thương lắm”.
Gặp Trương Thị Tuyết Dung, SV Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, tại chương trình nhưng Dung chỉ cho số điện thoại chứ không có thời gian ngồi trò chuyện, vì Dung tết này nhận 2 công việc cùng lúc.
“Con gái bình thường xa nhà đã nhớ và khóc rồi, chứ đừng nói là tết mà không về nhà. Nhưng ba mẹ em đều lớn tuổi hết rồi, lại còn đau bệnh nên em phải tự lo cho cuộc sống của mình, không muốn ba mẹ khổ thêm nữa. Hôm nay em phải xin nghỉ vài tiếng để đi nhận quà, giờ phải chạy về ngay vì còn thay ca tối ở chỗ làm khác nữa”, Dung nói và đi như chạy để kịp giờ làm.
Những ngày sau, gọi Dung liên tiếp nhưng đều không được, dù là giờ nghỉ trưa hay đang lúc đêm khuya, có lẽ Dung đang tất bật với công việc.
Cũng vì hoàn cảnh gia đình mà ở lại thành phố những ngày tết, Đỗ Thị Huyền, SV Trường ĐH Mở TP.HCM, rơm rớm nước mắt nói: “Em cũng muốn về lắm, vì ở nhà giờ chỉ có mẹ và 2 em, bố em mất cách đây 1 năm, giờ nhà cửa vắng tanh, tết nhất lại buồn hơn nữa. Nhưng giá vé cao quá, mà nhà em ở tận Phú Thọ nên không có chuyến xe hỗ trợ SV nào ra đến đó. 2 năm rồi em phải ngậm ngùi ăn tết xa nhà, chứ giờ cũng không biết làm gì khác hơn”.
Huyền cũng cho biết ngày tết lương phục vụ ở các nhà hàng cao gấp 3 lần nên cũng tranh thủ. “Ngày bình thường chỉ có 20.000 đồng/giờ nhưng tết tăng gấp 3. Một ngày em làm hơn 500.000 đồng nên sau tết cũng để dành được khá tiền đóng học phí”, Huyền kể.
Nhìn bạn bè đón tết ở quê, họp lớp rồi đến nhà thầy cô cũ chơi đăng lên Facebook mà Huyền không kìm được lòng, nhất là những lúc nghe được tiếng khóc của mẹ từ trong điện thoại: “Mỗi người một hoàn cảnh, em cũng không biết làm sao giờ. Em trai hết năm này vào đại học, nhưng nhất định em không cho em trai học xa nhà, vì gia đình khó khăn muốn về quê ăn tết cũng không được, buồn lắm ạ. Nhưng mẹ ơi, đợi con vài năm nữa đi làm có tiền rồi con về quê ăn tết với mẹ. Rồi con sẽ về mà, đừng buồn mẹ nhé”, Huyền tâm sự.
Bình luận (0)