Chạy đua nuôi tôm thẻ chân trắng

27/03/2014 10:06 GMT+7

Thời gian gần đây, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển ĐBSCL, bởi thời gian nuôi ngắn, giá bán cao, lời nhiều.

Chạy đua nuôi tôm thẻ chân trắng

Nông dân thị trấn Long Phú (H.Long Phú) trúng giá  tôm TCT  - Ảnh: An Lạc

Đổ xô nuôi tôm TCT

 

 Ông Võ Hồng Ngoãn (ở Bạc Liêu) trăn trở: “Nhiều hộ ùn ùn nuôi tôm TCT trong điều kiện con giống, hệ thống thủy lợi, điện chưa hoàn thiện, kỹ thuật chưa vững, chi phí đầu tư cao gấp 3 - 4 lần tôm sú, nếu thất bại thì hậu quả sẽ khó lường. Do đó, ngành chức năng cần cung cấp những thông tin đầy đủ về thị trường, diện tích, sản lượng, rủi ro, dịch bệnh... để người nuôi nắm rõ, từ đó xác định mô hình nuôi, loại tôm nuôi phù hợp theo từng thời điểm.

Những ngày này, nông dân H.Bình Đại (Bến Tre) đang vào vụ thả nuôi tôm năm 2014. Nếu như trước đây, tôm sú được nhiều người chọn nuôi, thì bây giờ tôm TCT lại được ưa chuộng. Ông Lê Hoàng Vũ, ở xã Bình Thới, bộc bạch: “Do mấy vụ liền tôm sú bị dịch bệnh chết hàng loạt gây thiệt hại lớn, trong khi tôm TCT nuôi ổn định và đạt tỷ lệ thành công cao hơn, nên người dân rủ nhau chuyển sang nuôi loại này”. Không riêng gì Bình Thới, ở các xã Thạnh Phước, Lộc Thuận... người dân cũng chuyển sang nuôi tôm TCT. Ông Lê Vũ Minh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, cho biết thống kê sơ bộ những ngày qua có khoảng 90% mô hình nuôi công nghiệp đã xuống giống tôm TCT.

Tại Sóc Trăng, nhiều hộ cũng chọn tôm TCT thả nuôi trong vụ mới 2014. Bà Lê Thị Thu Vân (ngụ ấp 2, thị trấn Long Phú, H.Long Phú), cho biết: “Tôi vừa thu hoạch 4 công tôm TCT được gần 5 tấn, bán cho nhà máy thủy sản với giá 220.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lời 700 triệu đồng; thời gian nuôi chỉ mất 87 ngày. Đây là mức lợi nhuận rất cao mà tôm sú không theo kịp”. Chính vì hiệu quả mang lại rõ rệt nên vụ nuôi 2014, bà Vân mở rộng diện tích nuôi tôm TCT lên 3,5 ha. Theo ông Phạm Thanh Liêm, Trưởng ban Nhân dân ấp 2, thời gian qua do giá mía quá thấp nên người dân ồ ạt phá bỏ chuyển sang nuôi tôm TCT. Địa phương chưa thống kê chính xác được diện tích bao nhiêu, nhưng dọc theo quốc lộ Nam Sông Hậu phía gần sông đã mọc lên những ao hầm nuôi tôm TCT san sát nhau.

Chị Phạm Thị Muội (ở xã Mỹ Long Nam, H.Cầu Ngang, Trà Vinh), tâm sự: “Từ năm 2011 đến nay, tôi và nhiều hộ khác lỗ nặng vì tôm sú bị bệnh. Có đợt thả giống 2 - 3 lần nhưng tôm sú vẫn chết. Trong khi đó, những hộ nuôi tôm TCT thì trúng mùa, bán giá cao, nên năm nay tôi chuyển 3 công tôm sú sang nuôi tôm TCT”.

Không thể chủ quan

Có một điểm sáng đáng khích lệ là năm 2013, xuất khẩu tôm thắng lớn với kim ngạch hơn 3 tỉ USD; trong đó tôm TCT chính thức vượt qua tôm sú về kim ngạch.  Vì thế tôm TCT đang trở thành đối tượng được chọn nuôi “số 1” hiện nay. Nhiều nông dân còn phá bỏ đất trồng mía, trồng dừa, hoa màu… để đào ao nuôi tôm TCT. Ông Phạm Hồng Văn, Phó chủ tịch UBND H.Cù Lao Dung (Sóc Trăng), cho biết: “Thế mạnh lâu nay của huyện này là cây mía với diện tích hơn 8.220 ha. Tuy nhiên gần đây người dân đã phá bỏ hơn 200 ha để đào ao nuôi tôm TCT, nâng tổng diện tích lên 1.400 ha”. Phòng NN-PTNT H.Cù Lao Dung nhìn nhận cây mía ngày càng bấp bênh khiến nông dân chán nản. Vì vậy, từ nay đến năm 2020, huyện dự kiến sẽ giảm hơn 4.000 ha đất mía để chuyển sang nuôi tôm và trồng cây khác.

Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh, cho biết quan điểm của tỉnh là chỉ nên nuôi tôm TCT theo mô hình công nghiệp ở những vùng có điều kiện thuận lợi về điện, thủy lợi, cơ sở hạ tầng… tránh nuôi tràn lan theo phong trào dễ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong tương lai. Cùng trăn trở trên, ông Vương Tấn Vũ, Chánh văn phòng UBND H.Long Phú, cho rằng: “Do diện tích tôm TCT phát triển quá nhanh nên ngành chức năng không đầu tư kịp về thủy lợi. Người dân tự làm thủy lợi để nuôi “gấp” trong thời buổi cấp bách. Nhưng phải thấy rằng, nếu hệ thống thủy lợi không đảm bảo sẽ là mối nguy hại sau này bởi tôm TCT rất dễ phát sinh dịch bệnh”.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.