Cuộc chạy đua phát triển năng lực săn ngầm từ trên không đến trong lòng đại dương đang diễn ra quyết liệt trước sự phổ biến ngày càng rộng rãi của tàu ngầm.
Ảnh minh họa nguyên mẫu tàu rô bốt ACTUV của Mỹ - Ảnh: DARPA
|
Âm thầm di chuyển trong lòng biển ở độ sâu ấn tượng, các tàu ngầm chiến đấu được đánh giá cao nhờ vào yếu tố bất ngờ, sẵn sàng giáng đòn tấn công phủ đầu vào các hạm đội địch và vô hiệu hóa các mục tiêu trên đất liền.
Trong nhiều thập niên qua, quân đội Mỹ vẫn duy trì ưu thế thống trị trong lòng đại dương, nhờ vào hạm đội tàu ngầm tối tân. Tuy nhiên, giới chức Lầu Năm Góc hiện đứng ngồi không yên trước việc Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đang nhanh chóng mở rộng kích thước và quy mô của các lực lượng tàu ngầm, cụ thể là các dòng tàu ngầm điện - diesel.
Dù không bì kịp tàu ngầm hạt nhân về tốc độ và thời gian lặn dưới biển, nhưng tàu ngầm điện - diesel được đánh giá có ưu thế đáng gờm trong việc thực thi chiến lược chống tiếp cận và phong tỏa khu vực. Được trang bị những hệ thống đẩy hoạt động không phụ thuộc không khí và pin lithium-ion hiện đại, thế hệ tàu ngầm điện - diesel mới thậm chí sẽ còn gây thêm nhiều thách thức hơn nữa trong nỗ lực theo dõi và tìm diệt một khi nổ ra xung đột trên biển.
“Dò tìm tiếng động của chiếc tàu ngầm điện - diesel ở vùng biển nhộn nhịp cũng giống như cố gắng xác định âm thanh của một chiếc xe hơi riêng biệt trong sự huyên náo của một thành phố lớn”, Chuẩn đô đốc Frank Drennan, đứng đầu Bộ Chỉ huy tác chiến chống ngầm và thủy lôi của hải quân Mỹ, từng nhấn mạnh hồi tháng 3.2015, theo trang Defense One.
Tàu “ma” của Mỹ
Theo báo cáo từ Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách, Mỹ cần phải xem lại vai trò của các tàu ngầm có người lái và ưu tiên các công nghệ săn ngầm mới. Mối đe dọa đáng kể nhất hiện nay chính là hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc, với số lượng vượt trội cả Mỹ. Trong một cuộc điều trần trước Tiểu ban Hải lực thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện, Phó đô đốc Joseph Mulloy, Phó tham mưu trưởng hải quân Mỹ, cho hay dù tàu ngầm Trung Quốc vẫn thua kém về mặt kỹ thuật so với Mỹ, nhưng ranh giới chênh lệch đang thu hẹp dần.
Trước lo ngại Trung Quốc có thể đuổi kịp năng lực chiến đấu trong lòng đại dương ở tương lai gần, Lầu Năm Góc đang đầu tư phát triển một dạng tàu rô bốt có thể tự lái, đủ năng lực theo dõi các tàu ngầm điện - diesel trong phạm vi vài ngàn ki lô mét.
Chương trình Tàu săn ngầm không người lái (ACTUV) vốn được Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA) nghiên cứu phát triển từ năm 2010 để săn lùng thế hệ kế tiếp của dòng tàu ngầm chạy bằng động cơ điện - diesel gần như không phát ra tiếng động. Để đạt được năng lực săn ngầm, dự án ACTUV xây dựng dựa trên 3 mục tiêu chính: áp đảo về mặt tốc độ so với tàu ngầm điện - diesel nhưng đáp ứng yêu cầu chi phí thấp hơn các hệ thống đã triển khai; di chuyển an toàn trong lòng biển tuân theo các luật về hàng hải; dò tìm chính xác vị trí của các tàu ngầm điện - diesel ở bất cứ nơi đâu.
Nguyên mẫu có tên Sea Hunter (Thợ săn biển), được thiết kế để hoạt động không người lái suốt 60 đến 90 ngày, vừa trải qua các bài thử nghiệm bước đầu. DARPA cho hay chiều dài của nó khoảng 40 m, nhiều khả năng chỉ mất khoảng 20 triệu USD để đóng mới, rẻ hơn nhiều lần so với lớp tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới Virginia có giá dự kiến trên 1 tỉ USD/chiếc.
Kết quả thử nghiệm Sea Hunter tỏ ra đầy hứa hẹn. Website Defense One hồi tháng 3 đưa tin trong suốt 6 tuần thử nghiệm ở ngoài khơi tiểu bang Mississippi, Sea Hunter đã chứng tỏ năng lực tự lái trong vùng biển mở, tránh được những tàu đang di chuyển trong khi luồn lách xung quanh các chướng ngại vật tự nhiên. Trong giai đoạn kế tiếp, chiếc tàu “ma” này sẽ thử nỗ lực lần theo dấu vết tàu ngầm bất chấp những tàu khác nằm chắn đường. Sea Hunter sẽ sẵn sàng cho các đợt thử nghiệm mở rộng vào mùa thu năm 2015.
Máy bay săn ngầm Y-8Q của Trung Quốc - Ảnh: SinoDefense Forum
Tân binh ở Biển Đông
Cuộc chạy đua chế tạo vũ khí, khí tài săn ngầm không chỉ giới hạn ở Mỹ, cho dù có vẻ như Lầu Năm Góc đi đầu về ý tưởng sáng tạo cũng như tốc độ triển khai. Trong tuần qua, hải quân Trung Quốc (PLAN) vừa bổ sung máy bay tuần tra mới, cụ thể là dòng săn ngầm Y-8GX6 do Tập đoàn máy bay Sơn Tây sản xuất, cho hạm đội Bắc Hải, theo biên tập viên Gareth Jennings của chuyên trang quân sự IHS Jane's.
Còn được biết đến với cái tên Y-8Q, dòng máy bay mới của Trung Quốc lần đầu tiên lộ diện vào năm 2011. Sau 3 năm rưỡi, nó chính thức gia nhập hạm đội vào cuối tháng trước. Dù Trung Quốc cố ý đặt tên là Y-8Q để bên ngoài nhầm tưởng rằng đây là phiên bản nâng cấp của dòng Y-8 (máy bay vận tải được cải tiến thành máy bay trinh sát), mẫu săn ngầm mới nhất được cho là có thiết kế giống chiếc Antonov AN-12 từ thời Liên Xô.
Với việc biên chế các chiếc Y-8Q, Trung Quốc lần đầu tiên có thể triển khai các tuyến tuần tra thường trực trên bầu trời Hoa Đông và Biển Đông. Tính năng đặc biệt nhất của dòng Y-8Q là bộ phận phát hiện từ trường bất thường (MAD), độ dài lên đến 7 m, mà theo đánh giá của giới phân tích có thể liệt vào dạng lớn nhất trong các dòng săn ngầm.
Được trang bị tên lửa chống ngầm, ngư lôi, thủy lôi, phao âm, máy bay có tầm hoạt động ước tính lên đến 5.000 km, trọng tải tối đa hơn 10 tấn, theo tạp chí Popular Science. Với kích thước của mình, Y-8Q có thể đóng vai trò làm trung tâm điều khiển các thiết bị ngầm tự lái (UUV) như tàu lướt ngầm Hải Yến, có thể lặn ở độ sâu 1.500 m và tầm hoạt động 1.000 km, theo thông tin chưa kiểm chứng từ phía Trung Quốc.
Sự xuất hiện của dòng máy bay này sẽ làm tăng thêm sức ép lên bầu trời Biển Đông. Theo tuần báo Oriental Outlook thuộc Tân Hoa xã, trong thời gian qua, máy bay quân sự của Trung Quốc thường xuyên chạm trán với các máy bay của những lực lượng nước khác trong phạm vi từ 20 đến 30 m.
Về phần mình, hải quân Nga tuyên bố sắp sửa nâng cấp năng lực không quân với kế hoạch bổ sung máy bay săn ngầm cho toàn hạm đội. Dự kiến, phía hải quân sẽ tiếp nhận máy bay đời Ilyushin-38N để thay thế cho dòng Ilyushin-38 kiêm chức năng trinh sát lẫn săn ngầm. Sự bổ sung lớn nhất trong lần nâng cấp này là hệ thống dò tìm và dõi theo mục tiêu, gọi là Novella-P-38, trong khi những chi tiết khác đều được giữ kín. Chỉ huy lực lượng Không quân hải quân Nga, Igor Kozhin chỉ cho biết rằng toàn bộ phi đội gồm Ilyushin-20 và Ilyushin-38 sẽ được thay thế bằng một nền tảng thống nhất trong thời gian tới.
Tàu ngầm tàng hình
Tàu ngầm diesel mới của Thụy Điển - Ảnh: Saab
Hãng Saab của Thụy Điển vừa trình làng chiếc “tàu ngầm bóng ma”, sở hữu năng lực tàng hình gần như hoàn toàn trước mắt địch, và cho phép người nhái âm thầm ra vào tàu ngầm nhờ vào một loại khoang độc nhất vô nhị.
Theo trang tin Wired, tàu ngầm Kockums A26 được nhà sản xuất cam đoan là tàu ngầm tàng hình hiện đại nhất thế giới hiện nay. A26 dài 64 m, ngang khoảng 6,5 m, được trang bị “chế độ bóng ma” giúp nó hầu như không thể nào bị phát hiện trong môi trường nước. Trong giai đoạn thử nghiệm, tàu có thể hoạt động ở độ sâu 200 m suốt 18 đến 45 ngày. Để giảm tối thiểu âm thanh phát ra, các khoảng trống giữa sườn tàu được lắp các tấm giảm âm. Hãng đã ký kết hợp đồng trị giá 1,04 tỉ USD để chế tạo 2 tàu ngầm mới cho hải quân Thụy Điển, dự kiến chuyển giao lần lượt vào cuối năm 2018 và 2019.
|
Bình luận (0)