Cháy nổ pin lithium-ion xe điện, pin điện thoại: Chữa cháy thế nào để dập lửa?

19/09/2023 10:52 GMT+7

Ngày nay, nhiều xe máy điện, điện thoại, sạc dự phòng được trang bị pin lithium-ion với các dung lượng khác nhau. Vậy chữa cháy khi nổ pin lithium-ion thế nào?

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Việt Nam đang có tỷ lệ người dân sử dụng xe điện (xe đạp điện, xe máy điện...) dần tăng cao. Hiện nay, xe điện sử dụng nhiều loại ắc quy, pin, phổ biến là loại pin lithium-ion; việc sạc điện cho ắc quy, pin theo nguyên lý: nguồn điện xoay chiều 220V được chuyển sang một chiều qua bộ đổi điện và sạc điện cho ắc quy, pin.

Bên cạnh những tiện ích của loại phương tiện này, có nhiều vấn đề được quan tâm, trong đó có nguy cơ cháy, nổ từ chính hệ thống điện của xe. Thời gian qua, trên thế giới và tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ cháy xe điện, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Cách chữa cháy khi nổ pin lithium-ion xe máy điện, pin sạc điện thoại - Ảnh 1.

Xe điện đang là xu hướng phát triển và xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều

Nhật Thịnh

Cách chữa cháy khi nổ pin lithium-ion

Theo một cán bộ PCCC có kinh nghiệm hơn 20 năm tại TP.HCM, đối với pin sạc xe điện, điện thoại khi xảy ra cháy nổ cần lưu ý không nên sử dụng nước để dập lửa. 

Ngay khi xảy ra cháy, điều đầu tiên phải làm là cúp cầu dao điện. Ngay sau đó, sử dụng bình PCCC chứa khí CO2 xịt trực tiếp vào nguồn cháy. Khí CO2 có thể dập tắt đám cháy nhanh mà không làm hư hỏng các thiết bị điện. Với cách dùng bình chữa cháy khí CO2. có thể khó dập hơn cháy thông thường vì cháy do phản ứng hóa học bên trong pin nhưng cách dập lửa này có thể chống cháy lan hay bùng to hơn nếu xịt đúng vào gốc lửa.

Chuyên gia điện - điện tử: ‘Xe điện cũng như cái quạt, có chất nổ đâu mà sợ’

Thăm dò ý kiến

Nhà bạn có trang bị các vật dụng thoát nạn khi có cháy?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Trường hợp không có bình khí CO2 thì có thể dùng bình PCCC dạng bột. Chúng ta cần lưu ý, bình dạng bột có thể làm hỏng mạch của thiết bị điện tử; do đó, trường hợp liên quan hệ thống điện tử giá trị cao cần cân nhắc để lại hậu quả nghiêm trọng.

Tình huống không có bình chữa cháy trong nhà, sau khi chắc chắn là đã ngắt điện, nếu đám cháy còn nhỏ có thể dùng một khăn lớn nhúng nước chụp nguồn lửa để phòng cháy lan, cháy lớn và nhanh chóng gọi cảnh sát PCCC.

Cách chữa cháy khi nổ pin lithium-ion xe máy điện, pin sạc điện thoại - Ảnh 2.

Người sử dụng xe điện cần biết các kỹ năng chữa cháy để phòng khi cháy nổ do pin lithium-ion

Nhật Thịnh

Cảnh sát chữa cháy lưu ý: "Tuyệt đối không tạt nước vào nguồn cháy khi chưa ngắt cầu dao điện vì có khả năng bị điện giật. Với đám cháy do xăng dầu khi gặp nước cũng có thể cháy lan, nguy hiểm cho người chữa. Mỗi nhà cần phải trang ngay bị bình chữa cháy ở trong nhà, đó là kỹ năng ban đầu để bảo đảm an toàn".

Theo lý giải của cảnh sát chữa cháy, mặc dù điện thoại, máy tính bảng cũng được trang bị pin lithium-ion nhưng các vụ cháy nổ do pin của các thiết bị này được dập dễ dàng hơn và gây hậu quả ít nghiêm trọng hơn so với cháy nổ pin sạc xe máy điện do dung lượng pin nhỏ hơn. Các vụ cháy có nguyên nhân từ pin lithium-ion cháy là do phản ứng hóa học của các chất bên trong cấu tạo pin.

Thiết bị PCCC khan hàng sau vụ cháy chung cư mini: 'Giống như mua bảo hiểm y tế cho gia đình'

Phòng cháy pin lithium-ion thế nào?

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng xe máy điện, xe đạp điện, người dân cần lưu ý:

  • Lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng
  • Thực hiện sạc điện theo hướng dẫn; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế ắc quy, pin mới.
  • Sạc điện lúc ắc quy, pin gần hết, dùng nguồn điện phù hợp và ổn định.
  • Sau khi sử dụng phải chờ bình điện nguội khoảng 20 phút rồi mới bắt đầu sạc, không sạc ngay sau khi chạy xe, không sạc quá 8 giờ liên tục.
  • Nếu lâu không dùng xe, nên sạc ắc quy, pin đầy rồi tháo rời khỏi xe; không để ắc quy, pin ở khu vực nóng, ẩm.
  • Sạc điện ở nơi khô ráo thoáng mát, khi sạc trong phòng cần tránh nơi kín đảm bảo điều kiện thông thoáng gió tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 0 - 35oC.
  • Khi sạc điện không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt.
  • Trong quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố.
  • Ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, tuyệt đối không sạc qua đêm và không có người lớn ở nhà.
  • Không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm ắc quy, pin phát nổ).
  • Thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất.
Cách chữa cháy khi nổ pin lithium-ion xe máy điện, pin sạc điện thoại - Ảnh 3.

Cách chữa cháy do pin lithium-ion tốt nhất là nên dùng bình PCCC chứa khí CO2

Nhật Thịnh

Đối với ô tô điện

  • Sạc tại những trạm sạc xe điện dành cho ô tô đã được cấp phép hoặc sử dụng bộ sạc tại nhà bảo đảm an toàn PCCC theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Các trạm sạc điện phải được duy trì yêu cầu về giải pháp ngăn cháy, chống cháy cháy lan đối với các khu vực xung quanh và trang bị phương tiện về PCCC.
  • Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống điện, phương tiện PCCC tại trạm sạc để kịp thời phát hiện, thay thế các thiết bị hư hỏng trong quá trình hoạt động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.