‘Chạy nước rút’ cho thượng đỉnh Mỹ - Triều: Lịch sử sẽ được kiến tạo tại Hà Nội

23/02/2019 10:41 GMT+7

Lịch sử sẽ được kiến tạo tại Hà Nội vào tuần tới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên gặp nhau. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 này đã được chờ đợi từ rất lâu.

Và tất nhiên, câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra là hội nghị này sẽ đạt kết quả gì? Cả hai bên sẽ làm nên lịch sử như thế nào và có tạo ra một lộ trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên? Có hay không về một hiệp ước kết thúc chiến tranh Triều Tiên? Hoặc thậm chí là một mối quan hệ ngoại giao đầy đủ với các cơ quan đại diện giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ được thành lập ở Washington lẫn Bình Nhưỡng?
Trong hành trình lâu dài để đi đến kết thúc, nếu mọi sự ổn định được tiếp tục, căng thẳng không nảy sinh thì mọi chuyện sẽ dễ dàng thuận buồm xuôi gió nếu hai bên cởi mở, cùng hướng đến thỏa hiệp. Vì thế, chẳng có lý do gì để hai bên không thể ký vào một tuyên bố chung rằng Chiến tranh Triều Tiên đã thật sự kết thúc.
Các bên sẽ chẳng thể đi đến thỏa thuận đáng kể nào nếu vẫn tiếp tục trong tình trạng chiến đấu chống lại nhau. Cho nên, một tuyên bố chấm dứt chiến tranh là nền tảng cần thiết để các bên tiếp tục đàm phán, hướng đến tương lai hòa bình.
Tiếp theo, Washington và Bình Nhưỡng phải cho nhau thấy rằng hai bên có thể đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa. Để làm được điều này, Washington phải từ bỏ quan điểm rằng Bình Nhưỡng cần dỡ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân, thì Mỹ mới bỏ lệnh trừng phạt.
[VIDEO] Siêu xe Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Hà Nội
Ngược lại, Bình Nhưỡng cũng cần nhận ra rằng khó có được sự chào đón của cộng đồng quốc tế nếu vẫn tiếp tục duy trì chương trình hạt nhân. Việc đạt thỏa thuận đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon ở miền bắc, đổi lại Hàn Quốc giúp Triều Tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp tuyến đường sắt có thể xem là một mô hình lý tưởng để các bên đạt được bước tiến liên quan vấn đề phi hạt nhân hóa.
Trong bối cảnh hiện nay, cũng không có lý do gì để các bên không mở văn phòng liên lạc với nhau. Cả hai bên đều hiểu rằng việc có kênh liên lạc trực tiếp để giải quyết vấn đề của nhau vẫn hay hơn phải thông qua một kênh trung gian khác.
Từ những thực tế trên, hoàn toàn có thể tin vào một bước tiến dù nhỏ nhưng vẫn đủ để giúp Mỹ - Triều bình thường hóa sẽ diễn ra vào tuần tới tại Hà Nội. Lịch sử đã dạy chúng ta rằng cách duy nhất để có được tiến bộ thật sự, đó là những kẻ thù cũ có thể tin tưởng lẫn nhau. Và sự thay đổi tích cực trong quan hệ Việt - Mỹ đã minh chứng cho điều đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.