"Chạy trường" - chuyện cũ nhưng mới "nổ"

26/08/2006 00:19 GMT+7

Mười mấy năm nay, chuyện "chạy trường" - nào là "trường điểm", "trường xịn", "trường tốt trái tuyến" đã là chuyện thường trước mỗi mùa khai giảng ở nước ta. Đây là chuyện phổ biến, nhưng tập trung nhất ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội…

Cách đây mấy năm, khi có dịp ra Hà Nội tình cờ tiếp xúc với vài phụ huynh, tôi đã kinh ngạc khi họ cho biết "giá" của mỗi học sinh tiểu học (xin nhắc lại là học sinh tiểu học) cần "chạy" vào trường điểm, trường trái tuyến đã là 700 USD. Ở TP Hồ Chí Minh, "giá" này cũng chẳng hề thấp, nếu không nói là cao hơn. Những phụ huynh tôi gặp cũng nói có hiện tượng là mỗi trường như thế đều "chia suất" cho giáo viên, mỗi giáo viên được một vài học sinh/năm gọi là để "cải thiện". Dĩ nhiên, khi giáo viên thường đã được chia suất, thì "hiệu trưởng hưởng một triệu" là điều không có gì phải thắc mắc! Nhưng nghe là vậy, nói là vậy nhưng từ trước nay chưa có vụ việc nào loại này được chính thức "khui" ra. Nay thì đã có Báo Thanh Niên vừa làm được một vụ điều tra "động trời" là công khai (có băng ghi âm) chuyện ăn tiền chạy trường ở một trường PTTH vào loại "xịn" nhất nhì tp Hồ Chí Minh: Trường Lê Quý Đôn. Trường này vừa được Sở Giáo dục - Đào tạo tp Hồ Chí Minh "nâng cấp" lên "trường chất lượng cao". Bây giờ thì nhãn hiệu "chất lượng cao" đã trở nên phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam: hàng chất lượng cao, xe đò chất lượng cao, nhà vệ sinh công cộng chất lượng cao… Giờ thì tới trường học chất lượng cao (?). Chưa biết chất lượng thật của Trường Lê Quý Đôn cao tới cỡ nào, nhưng "giá" để học sinh thiếu điểm hay trái tuyến "lọt vào" thì không hề thấp: 2.000 USD/em. Xem đoạn băng ghi âm (đã được gỡ ra) trên Báo Thanh Niên, cảm giác của tôi (và chắc không chỉ của tôi) là kinh hoàng! Nền giáo dục của ta tới độ bại hoại như thế này thì trách gì những kết quả thi "cười ra nước mắt" mà mùa thi nào báo chí cũng đưa lên chế giễu. Tôi không hiểu Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh nghĩ gì khi "quả bom bẩn" này được tung ra giữa môi trường giáo dục của thành phố? Có phải, từ trước nay Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố không hề hay biết, không có một chút thông tin gì về những chuyện "chạy trường" như thế này? Bởi đây không hề là chuyện mới xảy ra mùa này, mà nó "liên tục phát triển" đã nhiều "mùa thu" lắm rồi. Có thể giá cả mỗi mùa có xê xích (như đoạn băng ghi âm nói rõ) nhưng đây là việc "người chạy" đã biết "giá" và "người nhận" lại càng biết "giá" rõ hơn. Nên mới có chuyện trả treo, cò kè bớt một thêm hai, mới có chuyện giáo viên được "nhận suất" luôn viện "sếp" của mình ra trong gameshow "hãy chọn giá đúng" đau lòng này. Một khi "thượng bất chính" thì "hạ tắc loạn" là điều không có gì lạ.

Nhưng với những người còn tha thiết với tương lai của nước nhà, đau đáu với những kế sách chấn hưng nền giáo dục nước nhà, thì những chuyện như thế này còn hơn một xô nước đá tạt thẳng vào mặt họ! Cách đây mấy tháng, sau khi nghe chuyện Trường Lê Quý Đôn chuyển thành trường "chất lượng cao" tôi không hiểu định danh "chất lượng cao" như thế để làm gì? Giờ thì tôi đã hiểu. Hóa ra, trăm sự chẳng qua vì… tiền. Nhưng liệu nộp tiền cao là đã nhận được "chất lượng cao" trong giáo dục, với sự sòng phẳng của kinh tế thị trường? Không ai dám tin, với hiệu trưởng như thế, với những giáo viên như thế mà đây lại là trường thực sự "chất lượng cao" được. Khi tân Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo phát động trong toàn ngành quyết tâm "nói không" với những tiêu cực, dối trá, vô trách nhiệm tồn tại hàng bao nhiêu năm qua trong ngành, có một số quan chức cấp Sở đã nói với tôi là họ không tin chuyện này sẽ thực hiện được. Lý do họ đưa ra là nếu xới xáo toàn bộ lên, thì sẽ "gây mất ổn định xã hội" rất nguy hiểm (?). Lại một con ngáo ộp được trình ra trước những quyết tâm cải cách của vị tân Bộ trưởng. Nhưng nếu cứ để tiếp diễn những chuyện không sạch sẽ trong ngành giáo dục, như chuyện "chạy trường" cũ rích mà mới "nổ" ra vừa rồi, thì xã hội ta sẽ tới lúc không phải "mất ổn định" mà là "nát ổn định", nát bét.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.