‘Chạy’ vào chỗ lương thấp để làm gì?

21/12/2015 08:00 GMT+7

Nhiều người tìm đủ cách, thậm chí bỏ ra số tiền rất lớn để “chạy” một suất vào biên chế, bất chấp nếu chỉ nhận đồng lương khiêm tốn thì cả đời chưa chắc “thu hồi vốn” đã bỏ ra để chạy?!

Nhiều người tìm đủ cách, thậm chí bỏ ra số tiền rất lớn để “chạy” một suất vào biên chế, bất chấp nếu chỉ nhận đồng lương khiêm tốn thì cả đời chưa chắc “thu hồi vốn” đã bỏ ra để chạy?!

Hàng trăm người chen nhau nộp hồ sơ thi biên chế tại Cục Thuế Hà Nội sáng 14.8.2014 - Ảnh: Nguyễn TuấnHàng trăm người chen nhau nộp hồ sơ thi biên chế tại Cục Thuế Hà Nội sáng 14.8.2014 - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Thạc sĩ hành chính thi làm văn thư
Thực tế, hầu hết các đợt tuyển công chức số lượng thí sinh nộp hồ sơ so với chỉ tiêu tuyển dụng đều có sự chênh lệch rất lớn. Ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho biết quận tuyển 3 suất biên chế cho Phòng TN-MT nhưng có đến 19 hồ sơ nộp vào, trong đó có 5 - 6 người là thí sinh thuộc dạng hợp đồng đang làm việc tại quận. “Có đợt tuyển 1 vị trí nhưng có đến hàng chục hồ sơ nộp đăng ký”, ông Hà nói.

Người ta không chỉ tìm cách chạy vào làm công chức có vị trí quan trọng mà cả những vị trí, công việc rất bình thường như công nhân, giáo viên mầm non họ cũng sẵn sàng chi cả trăm triệu đồng để được vào. Vì sao lại như thế? Theo tôi, vì nhiều người cho rằng khi vào công chức thì sẽ có được sự yên ổn, có khoản lương cố định và các phúc lợi khác

PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng

Ông Lê Văn Làm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, kể 6 tháng đầu năm 2015 Sở tuyển một vị trí văn thư nhưng có 7 người đăng ký, trong đó có 2 thạc sĩ hành chính. 
Còn theo ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM (cơ quan thường trực tổ chức thi tuyển biên chế cán bộ, công chức), cho biết trong năm 2015 TP tổ chức thi tuyển 2 đợt, kế hoạch mỗi đợt tuyển khoảng 600 biên chế nhưng đều có khoảng 2.000 hồ sơ đăng ký. 
“Nóng nhất là tuyển biên chế vào ngành tài chính, thuế, đô thị… bình quân tỷ lệ 1 chọi đến 6 - 7”, ông Trung cho biết.
Chi hàng trăm triệu “chạy” vào biên chế
Do suất ít mà người muốn “đua” vào đông, nên dẫn đến tình trạng “chạy” vào biên chế, dù rất nhiều trường hợp dính bẫy lừa, mất hàng trăm triệu đồng.
Tại phiên thảo luận của HĐND TP.Hà Nội về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP.Hà Nội năm 2013, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, nói có tình trạng để “chạy” vào công chức ở thủ đô tốn “không dưới 100 triệu đồng”. 
Thông tin này sau đó được lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo làm rõ và khẳng định không phát hiện cá nhân, tập thể nào “chạy” công chức. Trong khi đó, từ phản ánh của báo chí và khiếu nại của công dân, trong năm 2015 Công an TP.Hà Nội đồng loạt phát hiện 3 vụ “chạy” công chức cùng trên địa bàn H.Sóc Sơn (TP.Hà Nội). 
Điển hình là vụ Ngô Thị Toàn (55 tuổi, giáo viên nghỉ hưu ở H.Sóc Sơn) và Trần Văn Ánh (55 tuổi, nhân viên quản lý chợ Nỉ, H.Sóc Sơn) nhận “chạy” công chức, đã bị bắt giam. Tháng 7.2014 Toàn nhận 120 triệu đồng để “chạy” công chức cho chị Nguyễn Thị N. và chị Ngô Thị L. Hai người này sau đó đều đỗ công chức. Một năm sau, Toàn nhận 270 triệu đồng của 5 trường hợp khác. Sau khi bị công an triệu tập, Toàn khai chỉ là một mắt xích của đường dây, phần lớn tiền đã nhận bà đưa Ánh.
Gần đây nhất, cơ quan chức năng TP.Hà Nội đang vào cuộc xác minh vụ “chạy” công chức liên quan đến một lãnh đạo phòng nội vụ ở H.Thạch Thất vào tháng 11.2015. 
Cũng trong tháng này, TAND tỉnh Lạng Sơn tuyên phạt Lê Hoàng Tuyến (36 tuổi, nguyên Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên H.Cao Lộc) 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ 2012 đến 2014, với cương vị là Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT sau đó chuyển sang làm Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên H.Cao Lộc, Tuyến đã nhận tiền của 17 người có nhu cầu chuyển công tác từ vùng khó khăn về vùng thuận lợi hoặc thi công chức trong tỉnh, tổng cộng hơn 1 tỉ đồng. Tại phiên tòa, nhiều bị hại khai trong khi nhờ Tuyến chạy công chức cũng tranh thủ giới thiệu thêm nhiều người khác để hưởng “hoa hồng” 10 - 40 triệu đồng/người.
“Sự lệch lạc của hệ thống”
Lý giải chuyện nhiều người đua vào biên chế, chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ), nói thẳng: “Nhiều người xem cơ quan nhà nước là mảnh đất màu mỡ, yên ấm, an nhàn để dung thân, là nơi “an dưỡng lý tưởng”, nên bán sống bán chết chạy hàng trăm triệu đồng để có được một chức danh gì đó. Họ hiểu rất rõ rằng nếu cứ làm việc đúng trách nhiệm, công tâm, trong sáng thì có làm đến vài chục năm cũng không thể “hòa vốn” đã chạy. Rõ ràng nghịch lý như vậy nhưng vì sao vẫn “chạy”? Vấn đề là họ “chạy” để nhắm đến việc được đề bạt, được đặc quyền đặc lợi rồi sẽ có cơ hội thu hồi vốn”.
PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, thành viên của Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật VN, cho rằng: “Chạy công chức thể hiện sự lệch lạc của hệ thống”. Theo ông, việc “chạy” vào công chức, biên chế là một thực tế ai cũng biết, cũng nghe, cũng thấy. 
“Người ta không chỉ tìm cách chạy vào làm công chức có vị trí quan trọng mà cả những vị trí, công việc rất bình thường như công nhân, giáo viên mầm non họ cũng sẵn sàng chi cả trăm triệu đồng để được vào. Vì sao lại như thế? Theo tôi, vì nhiều người cho rằng khi vào công chức thì sẽ có được sự yên ổn, có khoản lương cố định và các phúc lợi khác. Quan trọng hơn là những người “đua” vào công chức đều hy vọng từ vị trí, chức vụ của mình họ sẽ có thêm những khoản thu nhập khác, ví dụ nhân viên địa chính có thể có tiền từ việc đo đạc đất đai; y, bác sĩ thì có phong bì từ người nhà bệnh nhân; giáo viên mầm non thì có tiền biếu tặng của phụ huynh chẳng hạn”, PGS-TS Dinh phân tích.
Ông cho rằng: “Bản chất của câu chuyện ở đây là toàn bộ hệ thống của chúng ta đang vận hành lệch lạc theo hướng thu nhập chủ yếu không đến từ lương chính thức mà phần lớn từ các hình thức khác. Trong đó, với các vị trí của công chức tại các cơ quan công quyền khả năng có các khoản thu nhập này “ổn định” và dễ dàng, thuận lợi hơn. Người ta sẵn sàng bỏ cả trăm triệu đồng vì họ hy vọng sẽ thu hồi lại được khoản “đầu tư” ấy”.
Theo ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tình trạng nhiều người tìm mọi cách xin vào cơ quan nhà nước cũng có nguyên nhân từ quan niệm lâu nay, đó là “cứ vào nhà nước mới gọi là có việc làm”. 
“Quốc tế họ không quan niệm vào nhà nước mới là có việc làm, mà làm cho cơ sở tư nhân hay nhà nước gì cũng được, miễn sao việc làm đó đúng nghề nghiệp, có thu nhập trang trải tốt cho cuộc sống của mình và gia đình. Hiện nay, cánh cửa vào nhà nước cũng rất hẹp. Chính phủ cũng vừa có quyết định về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, sẽ có hàng trăm nghìn người trong biên chế nhà nước bị tinh, giảm từ nay đến 2020”, ông Tiến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.