Chế biến thịt heo: Củng cố thị trường trong nước, tạo thói quen ăn sạch

23/12/2018 08:00 GMT+7

Doanh nghiệp đầu tư vào dây chuyền giết mổ, chế biến thịt heo, thịt mát không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn là bước chuẩn bị, mở rộng đường xuất khẩu thịt heo.

Tiêu dùng thịt mát là xu thế tất yếu

Ngành chăn nuôi heo năm 2018 ghi nhận những bước ngoặt khi có sự tham gia của doanh nghiệp lớn đầu tư vào khâu giết mổ, chế biến. Đây cũng là giải pháp và Bộ NN-PTNT tập trung triển khai để không lặp lại “giải cứu thịt heo”.
Ngày 16.10 vừa qua, Bộ KH-CN đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12429:2018 về thịt mát, đây là một công cụ kỹ thuật và pháp luật quan trọng để doanh nghiệp đầu tư chế biến “thịt lợn mát” cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm thịt chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
TS Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) cho rằng tiêu chuẩn về thịt mát đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Thịt là thực phẩm giàu protein, chất béo nên dễ khiến vi khuẩn phát triển. Sau khi giết mổ xong là thịt tươi, nếu không kiểm soát, vi khuẩn sẽ phát triển, làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Người tiêu dùng có thể hiểu thịt mát là thịt tươi sau giết mổ nhưng sử dụng nhiệt độ để ức chế vi khuẩn phát triển, giúp cho miếng thịt được tươi lâu hơn giúp tăng mùi vị, cảm quan của miếng thịt, quá trình này là giúp sản phẩm tươi ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm. TS Trần Đăng Ninh nhấn mạnh, tiêu chuẩn về thịt mát giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn thực phẩm cho nhu cầu tiêu thụ hằng ngày, bên cạnh thịt tươi và thịt đông lạnh.
Heo được nuôi ở trang trại công nghệ cao của Massan
Heo được nuôi ở trang trại công nghệ cao của Massan
PGS-TS Phan Thanh Tâm, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng: Quá trình bảo quản này giúp ức chế hoạt động của hệ vi sinh vật trên miếng thịt, trong khi đó vẫn đảm bảo các quá trình sinh hóa của thân thịt (chết mềm, tê cứng, chín sinh hóa) diễn ra, đảm bảo miếng thịt tới tay người tiêu dùng ở trạng thái sinh hóa tốt nhất mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. Miếng thịt có thời gian sử dụng lên đến 12 ngày.

Tạo thói quen ăn sạch

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết Chính phủ và Bộ NN-PTNT có nhiều giải pháp thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực lớn đầu tư khắc phục điểm yếu này. Trong đó, dự án xây dựng nhà máy chế biến thịt heo tại Hà Nam của Tập đoàn Masan với công suất 1,4 triệu con/năm khánh thành trong ngày 23.12 là một dự án điển hình. “Doanh nghiệp có công nghệ chế biến hiện đại, sản phẩm đạt chất lượng cao là phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của xã hội về thực phẩm an toàn mà còn tiến tới cạnh tranh để xuất khẩu thịt heo ra nước ngoài”, ông Cường nói.
Tháng 2.2018, MNS khởi công xây dựng: Tổ hợp chế biến thịt đẳng cấp thế giới với vị trí chiến lược tại tỉnh Hà Nam có công suất thiết kế là 1,4 triệu con heo/năm, tương đương 140.000 tấn/năm. Dự án có vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, với hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ, tiên tiến nhất hiện nay do Marel - công ty hàng đầu thế giới về thiết bị giết mổ, chế biến thịt của Hà Lan cung cấp. Đây là tổ hợp có quy trình sản xuất thịt mát theo công nghệ châu Âu, lần đầu tiên có mặt tại VN được các chuyên gia châu Âu trực tiếp vận hành và kiểm soát. Nhà máy được vận hành theo tiêu chuẩn BRC - tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về an toàn thực phẩm. Thịt heo sau khi chế biến sẽ được làm mát và đóng gói với công nghệ Oxy-Fresh ngay tại nhà máy nhằm ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. Để giữ trọn dưỡng chất cùng độ ngon tối ưu của thịt, sản phẩm thịt heo Meat Deli luôn được bảo quản xuyên suốt ở nhiệt độ 0 - 4oC từ nhà máy đến tận tay người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nhận định: Một đất nước phát triển bao giờ cũng đưa vào những bữa ăn những thực phẩm có chất lượng tốt nhất, tiện lợi nhất. Tiêu chuẩn thịt mát được đưa ra sẽ là hành trang chuẩn bị cho con đường xuất khẩu thịt tốt hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.