Chế tạo thành công giác mạc nhân tạo bằng máy in 3D đầu tiên

02/06/2018 10:05 GMT+7

Các nhà khoa học của Đại học Newcastle (Anh) vừa mới chế tạo thành công giác mạc nhân tạo bằng máy in 3D đầu tiên, mở ra một hy vọng mới có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt giác mạc để cấy ghép.

Theo Daily Mail ngày 30.5, họ sử dụng các tế bào gốc của giác mạc người kết hợp với collagen và chất alginate (là carbohydrate gồm đường, tinh bột và chất xơ trong tảo biển) để tạo ra một loại gel đặc biệt gọi là “mực in sinh học” chỉ trong vòng 10 phút, được dùng cho máy in.
Hợp chất gel này có thể giúp giữ các tế bào gốc còn sống, đủ đặc để giữ nguyên hình dạng, và đủ mềm để phun ra từ vòi in.
Các nhà khoa học cho biết công nghệ này có thể được sử dụng để sản xuất ra một nguồn giác mạc để đảm bảo nguồn cung cho những người đang cần giác mạc để ghép.
Anh phải nhập khẩu hàng trăm giác mạc hiến tặng cho các ca phẫu thuật mỗi năm bởi vì có quá nhiều người Anh không muốn hiến tặng giác mạc sau khi họ chết.
Một trong các nhà khoa học chế tạo ra giác mạc nhân tạo bằng công nghệ in 3D nói với Daily Mail cần thêm nhiều cuộc thử nghiệm nữa để chắc chắn mang đến hiệu quả và an toàn cho người bệnh.
Trên thế giới, có 10 triệu người cần ghép giác mạc để giúp họ không bị mù. Ngoài ra, hàng triệu người đã bị mù vì những vết sẹo trên giác mạc do bỏng, chấn thương và các bệnh khác gây ra.
GS Che Connon của Đại học Newcastle cho biết: “Giác mạc nhân tạo này hiện tại vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ mất thêm vài năm nữa trước khi được cấy ghép cho bệnh nhân’.
Họ có thể tạo ra những giác mạc với kích thước khác nhau để phù hợp cho từng mắt của mỗi người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.