Chelsea 'hậu Abramovich' sẽ như thế nào?

05/03/2022 13:58 GMT+7

Khi mà Chelsea mất đi sự hậu thuẫn tài chính của Roman Abramovich, thì khó khăn sắp tới chưa chắc sẽ nặng nề như sự suy diễn chung trong những ngày qua.

Bây giờ mà thi “rải tiền”, thì Chelsea của Abramovich khó tranh chấp với Man City, PSG, Newcastle. Cho nên, không còn nguồn lực tài chính của Abramovich, có khi lại hay. Đấy là động lực thôi thúc Chelsea đổi mới chiến lược. Biết đâu họ sẽ thành công bằng con đường phát triển bóng đá thuần túy, và trở thành đội đáng xem hơn trong mắt giới hâm mộ trung lập?

Chelsea từ đẳng cấp trung bình - khá trở thành siêu CLB, thành công vang dội trong kỷ nguyên Abramovich

Chelseafc

Điều ai cũng biết: Chelsea từ đẳng cấp trung bình - khá trở thành siêu CLB, thành công vang dội trong kỷ nguyên Abramovich, chủ yếu là nhờ ông chủ người Nga mạnh tay rải tiền chiêu mộ lực lượng. Hệ quả: giới quan sát cho rằng Chelsea đang đối diện tương lai bất định, vì không còn thế mạnh vừa nêu, sau khi ông chủ Roman Abramovich xác nhận rao bán CLB.

Nhưng có những điều ít được bàn hoặc nhắc đến: Chelsea trong mùa bóng này đã không còn giống như Chelsea từng được biết đến suốt nhiều năm qua. Bóng đá đỉnh cao ngay trong lúc này cũng khác rất xa so với bóng đá đỉnh cao 19 năm trước. Những khác biệt ấy nhắc nhở một điều quan trọng: khoan vội kết luận về những bất lợi lớn, khi Chelsea không còn nguồn tiền của Abramovich trong tương lai.

Abramovich đã giúp Chelsea có sức mạnh vô song trên thị trường chuyển nhượng trong những năm mới đến

reuters

Trong cái mùa bóng 2002-2003, tức là mùa bóng cuối cùng trước khi Abramovich xuất hiện ở Stamford Bridge, các CLB hàng đầu mua sắm thế nào? Xin thưa: M.U chi 30,6 triệu bảng chuyển nhượng, có thêm “bom tấn” Rio Ferdinand trong mùa hè 2002. Lúc bấy giờ M.U vẫn đang là đội “vô đối” ở Premier League. Đối thủ duy nhất của M.U trên sân cỏ Anh là Arsenal, chi 6,6 triệu bảng mua sắm. ĐKVĐ Champions League Real Madrid chi 45 triệu euro và có thêm siêu sao số 1 thế giới lúc ấy là Ronaldo (Brazil). Barcelona chi 11,5 triệu euro.

Ngay khi trở thành ông chủ Chelsea, Abramovich chi 153 triệu bảng mua sắm cầu thủ trong mùa hè đầu tiên, thêm 150 triệu bảng mua sắm trong mùa hè kế tiếp. So sánh các con số vừa nêu, và chúng ta chẳng cần nói thêm điều gì về sức mạnh vô song của Chelsea trong “bóng đá thời ấy”.

Còn “bóng đá bây giờ”? Chỉ trong 6 năm gần đây, HLV Pep Guardiola được cấp đến 1 tỉ bảng mua sắm cầu thủ cho Man City. Đấy là Man City “dùng tiền nhà nước”, như cách mỉa mai mà rất nhiều nhân vật bóng đá từng nói về sức chi tiền vô địch của một đội bóng có chủ sở hữu đến từ Abu Dhabi. Sau Man City là PSG “của Qatar”. Rồi mới đây lại xuất hiện Newcastle “của Ả Rập Xê Út”. Chelsea không bao giờ là CLB giàu nhất thế giới nữa. Họ không còn “độc quyền” rải tiền chiêu mộ lực lượng nữa. Nói cách khác, khi mà Chelsea mất đi sự hậu thuẫn tài chính của Abramovich, thì khó khăn sắp tới chưa chắc sẽ nặng nề như sự suy diễn chung trong những ngày qua. Họ chỉ mất đi chút ưu thế “hạng nhì” thôi.

Chỉ mới cách đây vài năm, người ta còn choáng ngợp trước năng lực chuyên môn của Frank Lampard - một HLV coi như chỉ vừa khởi nghiệp, dẫn dắt Chelsea rất thành công trong mùa đầu tiên. Lampard hoàn thành nhiệm vụ trong hoàn cảnh Chelsea đang bị cấm chuyển nhượng, nghĩa là không hề chi ra xu nào mà vẫn thành công. Cuối năm 2021, giám đốc Marina Granovskaia của Chelsea được trao giải nhà điều hành xuất sắc nhất trong năm. Người phụ nữ này đàm phán những chuyện quan trọng, to tát nhất. Bà mời Thomas Tuchel - HLV vừa bị đội “nhà giàu” PSG sa thải – về dẫn dắt Chelsea. Và Tuchel đưa Chelsea lên ngôi vô địch Champions League.

Abramovich và chiếc cúp vô địch Champions League 2021

reuters

Đấy là chi tiết đang chìm trong quên lãng: chính PSG - chứ không phải Chelsea - mới là đội “nhà giàu”, và đấy là trường hợp tiêu biểu cho thất bại của đội nhà giàu. PSG khi ấy chi tiền rước HLV Mauricio Pochettino, chỉ để… mất luôn chức vô địch Ligue 1, ở nơi mà nói thẳng ra thì không có đội nào đủ tư cách cạnh tranh với PSG!

Điều gì cũng sẽ có lúc tiến đến cột mốc cần có một sự thay đổi. Giả sử không có câu chuyện ở Ukraine, thì Chelsea cũng đã cần “làm mới mình”. Suy cho cùng, Abramovich đã hết hạn visa từ năm 2018, và công việc hàng ngày ở Chelsea là do Granovskaia cai quản hơn 3 năm nay. Mặt khác, ai cũng thấy rõ là sức mạnh tài chính của Abramovich đã nhạt nhòa hẳn khi các ông hoàng Ả Rập đổ xô vào Premier League. Bám mãi vào con đường cũ 19 năm qua không phải là một cách hay. Những năm gần đây, giới phân tích cũng đã bàn nhiều về chiến lược đào tạo hàng loạt cầu thủ trẻ và cho mượn khắp nơi. Thường có khoảng 30-40 cầu thủ Chelsea thi đấu ở những nơi khác theo hình thức cho mượn, trong một thời điểm bất kỳ. Đấy cũng là khác biệt quan trọng, vốn chưa hề có khi Abramovich mới mua Chelsea.

Nếu Chelsea không còn Abramovich cũng chưa hẳn là thảm họa

reuters

Tóm lại, thành công gần đây của Chelsea không còn là thành công “nhờ tiền bạc” nữa. Họ đã chú trọng nhiều hơn đến khâu điều hành, cách chọn HLV giỏi, đào tạo và kinh doanh cầu thủ trẻ. Chelsea bây giờ “bóng đá” hơn cái thời Abramovich vừa mua Chelsea và chủ yếu chỉ dùng tiền để cạnh tranh. Chưa biết chủ sở hữu mới là nhân vật nào, nên không tiện bàn. Chỉ biết chắc một điều: không còn Abramovich thì Chelsea càng cần rẽ sang “con đường bóng đá”, thay vì cứ mải tiến trên “con đường rải tiền”. Đấy hẳn nhiên là điều tốt đẹp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.