Chen chúc trẩy hội

15/02/2016 05:51 GMT+7

Nhiều địa phương miền Bắc đã vào mùa khai hội. Những ngày này, tại các địa điểm diễn ra lễ hội luôn đông nghịt khách.

Nhiều địa phương miền Bắc đã vào mùa khai hội. Những ngày này, tại các địa điểm diễn ra lễ hội luôn đông nghịt khách.

Biển người đổ về trẩy hội chùa Hương - Ảnh: Anh ĐanBiển người đổ về trẩy hội chùa Hương - Ảnh: Anh Đan
Kẹt đường, kẹt đò, kẹt cáp treo
Từ trước ngày khai hội (mùng 6 tết), chùa Hương (H.Mỹ Đức, Hà Nội) luôn đông nghịt khách trẩy hội. Đến mùng 7, lượng khách còn đông hơn. Từ 3 - 4 giờ sáng, suối Yến đã ken cứng người. Lối lên chùa Thiên Trù, động Hương Tích lúc nào cũng đông nghịt. Thậm chí, không ít gia đình đi lễ sớm, ngồi khấn vái ở cửa chùa Thiên Trù từ 2 - 3 giờ sáng.
Khu vực chờ cáp treo lên động Hương Tích cũng luôn trong cảnh tắc nghẽn. Rất nhiều đoàn khách sau khi chờ mòn mỏi để có vé cáp treo thì lại nhường bớt vé cho người khác vì trẻ con không chờ được đã ngủ gục. Khu vực trong động chính cũng đông nghẹt người. Thời tiết nắng nóng, mệt mỏi, một số người không giữ được bình tĩnh, gây gổ, to tiếng với nhau.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, hội chùa Hương năm nay, cảnh các hộ dân buôn bán công khai thịt thú rừng vẫn còn nhưng không tràn lan như các năm trước. Cảnh cò mồi, chèo kéo cũng giảm. Phía đơn vị tổ chức đã chuẩn bị đò điện để đưa đón người dân, giá vé bằng với giá đò thường. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, rút kinh nghiệm những năm trước, công tác tổ chức lễ hội, kiểm soát hoạt động lễ hội chùa Hương năm nay được triển khai quyết liệt hơn.
“Chặt chém” chốn linh thiêng


Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết từ hôm nay (8 tháng giêng), cán bộ của Bộ mới đi làm trở lại và công tác thanh tra mới có thể tiến hành. Tuy nhiên, ông cho rằng việc hạn chế người dân đi lễ để tránh quá tải là việc không thể: “Người ta đi thì làm sao có biện pháp gì mà cấm được. Không khống chế được lượng người, giới tính, tuổi tác. Dân người ta đua nhau đi thì phải chịu thôi”.

Hàng ngàn lượt du khách đổ về chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, H.Can Lộc, Hà Tĩnh) bị chủ các bãi giữ xe, bán vé, kinh doanh, buôn bán thi nhau moi tiền, “chặt chém” với giá cắt cổ. Ngày 14.2, dòng người nườm nượp đổ về chùa Hương Tích để cầu lộc. Nhiều điểm giữ xe quanh khu vực cổng ra vào chùa chật kín xe máy, ô tô nên các điểm giữ xe “được mùa” nâng giá vô tội vạ, xe vào bãi bị “hét giá” 10.000 đồng/xe máy; 50.000 đồng/xe ô tô bất chấp quy định chỉ cho phép thu 3.000 đồng/xe máy và 20.000 - 30.000 đồng/xe ô tô. Trong khi đó, nhiều du khách đến vãn cảnh chùa Hương Tích đã phản ánh về việc bị một hộ dân địa phương tự ý lập chốt thu “phí đường”. Tình trạng rải tiền công đức, giọt dầu thơm, dầu gió, dùng tay xoa đầu linh vật, lộn xộn, chèo kéo du khách cũng diễn ra khá phổ biến.
Lễ hội chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, H.Gia Viễn, Ninh Bình) diễn ra từ mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch hằng năm. Năm nay, lễ khai hội được tổ chức long trọng với sự tham dự của hàng vạn du khách thập phương. Ngày 14.2, có mặt tại chùa Bái Đính, PV Thanh Niên ghi nhận tình trạng “ép” các vị La Hán nhận tiền lẻ đã giảm, chỉ còn số ít du khách vẫn xoa tiền lên tượng Phật và ném tiền lẻ lên mặt trống đồng trong Tháp Chuông để cầu may. Tại hành lang La Hán và dưới chân tượng Phật Di Lặc luôn có nhân viên thu nhặt tiền lẻ của những du khách cố tình “ép” tượng Phật nhận rồi cho vào hòm công đức.
Trách nhiệm địa phương với lễ hội
Hội chọi trâu H.Phúc Thọ, Hà Nội đã tổ chức qua vòng loại, song đã phải dừng không có vòng chung kết. Đây là một lễ hội mới được tổ chức từ năm 2014. Cục Văn hóa cơ sở cho biết, việc không đồng ý tổ chức lễ hội chọi trâu Phúc Thọ là dựa trên nhiều văn bản, trong đó có Công điện số 229 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, công điện yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc không đồng ý cũng dựa trên kết luận của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức lễ hội, phương hướng nhiệm vụ 2016. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu không cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu nếu không phải là lễ hội truyền thống của địa phương.
Năm nay nhà quản lý cũng nói không với việc chém lợn giữa sân đình của làng Ném Thượng, TP.Bắc Ninh. Lợn sau khi làm đủ lễ thức sẽ được chuyển vào một khu vực được che kín để thực hành tiếp nghi lễ chém. Chỉ ít người được dự phần nghi lễ đó. Bộ VH-TT-DL đã không mở đường cho các lễ hội mới liên quan đến hiến sinh, bên cạnh đó phong tục lâu đời cũng thay đổi ít nhiều cho phù hợp với đời sống hiện tại.
Bỏ nguy cơ tranh cãi về hiến sinh, cộng với việc phát ấn đền Trần đã “êm” từ mùa trước, lễ hội năm nay sẽ còn lại các nguy cơ liên quan đến dịch vụ. Đó là các vấn đề như: nhà vệ sinh cho du khách, vệ sinh an toàn thực phẩm, “chặt chém” khách, nguy cơ quá tải ùn ứ.
Nhu cầu đi lễ của người dân cao nên công tác tổ chức lễ hội đóng vai trò quan trọng để không gây lộn xộn. Ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL đánh giá cao tác động của giáo dục tuyên truyền về nếp sống văn hóa, về văn hóa đi hội. Nhờ tuyên truyền tốt mà ở Hội Gióng mấy năm nay đã rất trật tự. Cũng về việc giáo dục này, PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa cho rằng các cơ sở tôn giáo sẽ là nơi tuyên truyền tốt những quy tắc đi lễ, đi hội như không xả rác bừa bãi, xếp hàng mà không chen lấn...
Về việc quá tải, chen lấn xô đẩy, hay mất vệ sinh an toàn thực phẩm..., ông Tân cho biết: “Bộ đánh giá đó là những hiện tượng làm xấu đi văn hóa truyền thống. Quan điểm của Bộ là những việc đó thuộc trách nhiệm của ban tổ chức địa phương. Còn Bộ chắc chắn đã có chỉ đạo qua văn bản cụ thể, chỉ đạo cụ thể để chấn chỉnh lễ hội. Tình trạng lộn xộn thì phải xem lại ban tổ chức ở nơi đó. Ở đâu có vấn đề thì xem lại ban tổ chức địa phương về khâu tổ chức, về trình độ quản lý”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.