Chênh lệch đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội, đại biểu Quốc hội đặt nghi vấn

Mai Hà
Mai Hà
08/11/2023 18:48 GMT+7

Nhắc đến câu chuyện đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội mới đây với mức chênh giá trúng so với giá khởi điểm vài trăm lần, đại biểu Quốc hội đề xuất cần rà soát lại quy định trong đấu giá để đảm bảo minh bạch.

Thảo luận về luật Đấu giá tài sản công chiều 8.11, đại biểu Hoàng Văn Liên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, dẫn ra ví dụ về việc đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội, giá khởi điểm ban đầu là 24 tỉ đồng, nhưng kết quả trúng đấu giá là 1.684 tỉ đồng, tăng tới 204 lần.

Chênh lệch đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội, đại biểu Quốc hội đặt nghi vấn - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Liên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, phát biểu thảo luận tại tổ

GIA HÂN

“Theo thông tin trên báo chí phản ánh thì mức chênh như vậy là quá cao, cho thấy việc xác định giá khởi điểm chưa chính xác, phù hợp với thị trường. Cần rà soát lại quy định, chế tài đấu giá của chúng ta đã đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi người có tài sản, chống trục lợi hay chưa?”, đại biểu Liên nêu.

Cụ thể, góp ý cho dự thảo luật, đại biểu đoàn Kon Tum cho rằng cần rà soát lại các quy định về giá khởi điểm. Theo quy định, có 15 loại tài sản đưa ra đấu giá, người có tài sản tự xác định giá hoặc ủy quyền cho cơ quan đấu giá xác định giá. Nhưng cả 2 quy định này xác định giá khởi điểm chưa thực sự cụ thể, do đó, ông đề nghị phải rà soát lại để quy định cho chính xác.

Đồng thời, phải có quy định để ràng buộc các quy định của cơ quan, tổ chức có liên quan, xác định mức giá khởi điểm cơ bản phù hợp với giá thị trường, đảm bảo quyền lợi Nhà nước, các tổ chức, cá nhân. Đại biểu cũng đề xuất về giá khởi điểm phải quy định một số nguyên tắc chung, sau đó Chính phủ quy định chi tiết hoặc giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.

Đặc biệt, cần bổ sung chế tài đủ mạnh và sát với tình hình. Về các hành vi bị cấm, luật hiện hành quy định 5 đối tượng với đấu giá viên, tổ chức bán đấu giá, hội đồng bán đấu giá, người có tài sản và người tham gia đấu giá. 

“Nhưng có một vấn đề rất băn khoăn, nhức nhối là đấu giá quyền sử dụng đất. Tại nhiều vụ việc, hiện tượng quân xanh, quân đỏ mua hồ sơ đấu giá, có trường hợp thao túng phiên đấu giá, nhiều trường hợp có kịch bản làm giá, trả giá, ghìm giá làm lợi, tiêu cực trong đấu giá tài sản...”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.

Ông cũng dẫn nhiều cuộc đấu giá mà người trúng đấu giá rất rẻ, hoặc giá rất sát với giá khởi điểm, chênh không đáng kể, có thể đúng giá thị trường, nhưng không thể loại trừ có lộ lọt thông tin. Trong khi đó, dự thảo luật chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động đấu giá. Vì thế, ông đề nghị cần có quy định để kiểm soát quyền lực, khắc phục một số tồn tại như quân xanh, quân đỏ hiện nay.

Đề nghị tăng mức phạt cao nếu bỏ cọc

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cho biết, thời gian qua, trong đấu giá tài sản đã xuất hiện hiện tượng thao túng giá khởi điểm, bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để thu lợi, tạo nên cơn sốt đất ảo. 

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đề nghị cần bổ sung quy định và chế tài nghiêm minh để xử lý các trường hợp trúng đấu giá nhưng tự ý từ chối kết quả. Theo ông, quy định của luật hiện hành (điều 9, điều 51 luật Đấu giá tài sản) chưa quy định vấn đề này. 

"Điều này dẫn đến hàng loạt các trường hợp lợi dụng việc đấu giá để làm hình ảnh, tác động đến thị trường sau đó bỏ kết quả đấu giá như các vụ việc đấu giá đất của Tân Hoàng Minh, đấu giá biển số xe vừa qua", đại biểu Phước nói.

Ông cũng đề nghị xem xét nâng mức tiền đặt trước từ mức tối thiểu là 20% và tối đa là 50% giá trị tài sản đấu giá vì khung số tiền đặt trước như dự thảo luật đang quy định là quá thấp. Đồng thời, cần mở rộng tỷ lệ phạt đấu giá, quy định thời gian người trúng đấu giá phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) phân tích, quy định tiền cọc hiện nay thấp nên ở những vụ đấu giá đất Thủ Thiêm hay đấu giá biển số xe thì giá trị tiền cọc rất nhỏ so với tiền trúng đấu giá. 

"Có những hợp đồng trúng đấu giá cao, sau này họ bỏ cọc, không mua tài sản trúng đấu giá. Điều này không những gây ảnh hưởng đến công tác đấu giá, mà còn gây tác động không lường đến tình hình kinh tế - xã hội", ông Hiếu nói.

Song, ông Hiếu cũng băn khoăn, nếu nâng tỷ lệ tiền cọc lên quá cao thì "cũng rất bất cập", vì vô hình trung lại tạo thành hàng rào cản trở người tham gia đấu giá. Ông đề nghị bổ sung hình thức phạt hợp đồng. Trong trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc, không thực hiện hợp đồng mua tài sản khi đã trúng đấu giá thì phạt 30 - 50% giá trị tài sản trúng đấu giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.