'Cơ quan thanh tra cần giám sát chặt lãi suất của các ngân hàng'

25/04/2023 21:57 GMT+7

Lần đầu tiên tại một cuộc họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú bày tỏ bức xúc với một số ngân hàng khi cho vay với lãi suất quá cao, chênh lệch lãi huy động - cho vay quá lớn.

Chiều 25.4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì hội nghị.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết từ đầu năm đến nay, NHNN tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vận dụng linh hoạt các công cụ điều hành để tăng cung tiền cho nền kinh tế và giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Theo ông Quang, đến nay lãi suất cho vay mới đã giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2022. Đặc biệt, NHNN ban hành 2 thông tư quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến cơ cấu lại nợ, hoãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại. Do đó, hiện nay thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm.

Một vài ngân hàng lãi suất còn cao

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mặt bằng lãi suất dù đã có điều chỉnh giảm nhưng "đâu đó" vẫn có những ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân cao bất thường so với mặt bằng chung.

Ngân hàng đầu tiên được yêu cầu giải trình là ngân hàng K.L với mức lãi suất cho vay bình quân lên đến 14,63%/năm. "Hệ số chênh lệch đầu vào đầu ra lên đến 9,9%/năm thì dù làm ngân hàng đến 30 năm tôi cũng không hiểu được con số như thế này… Đề nghị Giám đốc NHNN tỉnh Kiên Giang sau 1 tuần nữa đánh giá lại toàn diện bức tranh lãi suất của K.LBank để báo cáo lên T.Ư vì sao lãi suất cao như thế", ông Tú nói.

Phó thống đốc tiếp tục "truy" các ngân hàng: "Một vài ngân hàng lãi suất cao như này thì làm sao tạo được mặt bằng chung, làm sao tạo được sự hỗ trợ thống nhất chung về hỗ trợ lãi suất. Lãi suất cho vay bình quân tới 14,63%/năm và chênh lệch đầu vào đầu ra lên đến 9,96%/năm thì tôi không hiểu lợi nhuận như thế nào. Cơ quan thanh tra cũng phải để mắt vào đây…".

'Chênh lệch lãi suất lên 9,9%năm, 30 năm làm ngân hàng tôi cũng không hiểu' - Ảnh 1.

Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú

CTV

Ngoài K.LBank, ông Tú cũng chỉ đích danh các ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân lên đến 12 - 13%/năm như Ngân hàng TMCP Việt Á (VietAbank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank)…

Giải trình về lãi suất cho vay, các ngân hàng bị Phó thống đốc "điểm danh" khẳng định mặt bằng lãi suất chấp hành theo các quy định của NHNN. Đồng thời, nguyên nhân lớn dẫn đến việc lãi suất cho vay và chênh lệch đầu ra đầu vào cao là do phân khúc khách hàng, rủi ro hạn mức, chiến lược kinh doanh riêng…

Tuy nhiên, ông Tú không hài lòng và yêu cầu: "Còn nhiều ngân hàng khác vẫn đang duy trì lãi suất cho vay bình quân cao nhưng do thời gian có hạn nên tôi không nêu ở đây. Đề nghị cơ quan thanh tra giám sát theo dõi chặt tình hình lãi suất của các ngân hàng… Không thể nói ở trong mặt bằng chung mà lãi suất cho vay bình quân lại trội lên như thế này".

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đánh giá việc một vài ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay và lãi suất huy động cao bất thường sẽ phá vỡ đường cong lãi suất, xóa sạch nỗ lực của ngân hàng trong việc tiết giảm lãi suất. "Các ngân hàng thương mại phải thấy được trách nhiệm của mình với các cổ đông, xã hội mà có mức lãi suất hài hòa, không có sự chênh lệch quá lớn giữa đầu vào và đầu ra", ông Hùng đề nghị.

Ngân hàng chủ động cơ cấu, giãn nợ

Báo cáo tại hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn nợ cho các khách hàng khó khăn, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), khẳng định việc này sẽ giúp sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu.

Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các tổ chức tín dụng.

"Những đối tượng khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, khó khăn trong việc trả nợ vay các khoản vay tiêu dùng, khoản vay phục vụ đời sống, phát sinh từ các khoản cho vay, cho thuê tài chính thì sẽ được xem xét việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ", bà Giang nói.

Kết luận hội nghị, ông Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại và lãnh đạo các chi nhánh NHNN đề xuất các giải pháp để Thông tư 02 đi vào cuộc sống và nhấn mạnh yêu cầu không để xảy ra lợi dụng, vi phạm chính sách, đặc biệt là tránh che giấu nợ xấu.

"Làm sao để thông tư 02 đi vào cuộc sống ngay từ đầu, không còn thấy lời oán thán từ doanh nghiệp rằng không tiếp cận được. Để làm được điều đó, các ngân hàng không được tăng thủ tục cho doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục giãn, hoãn nợ", ông Tú yêu cầu.

Tín dụng đến 20.4 tăng 2,57%

Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 20.4, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỉ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Về chương trình 120.000 tỉ đồng, NHNN đã có văn bản 2308/NHNN-TD hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương mại và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn. Chương trình đã triển khai từ 1.4.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.