Chết oan nghiệt ở vùng cao

26/04/2013 03:20 GMT+7

Nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định hiện đã đến mức báo động nên cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Ngày 25.4, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định tổ chức hội thảo khoa học về đề tài “Nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số”.

Vợ không tắt ti vi, chồng tự tử

Theo thống kê của Công an tỉnh Bình Định, từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 292 vụ tự tử, làm chết 157 người. Tình trạng này chủ yếu xảy ra tại các huyện miền núi như An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, nơi có nhiều đồng bào Hơ rê, Ba na, Chăm... sinh sống. Những trường hợp tự tử thuộc mọi lứa tuổi nhưng có đến 160 vụ (chiếm 55% tổng số vụ) là người từ 20-35 tuổi.

 Chết oan nghiệt ở vùng cao
Già làng có vai trò quan trọng trong cuộc vận động giảm thiểu nạn tự tử ở cộng đồng dân tộc thiểu số - Ảnh: Hoàng Trọng

Theo ông Phạm Văn Nam - Phó bí thư thường trực Huyện ủy An Lão, những xã vùng cao, kinh tế kém phát triển của địa phương như An Quang, An Hưng, An Trung... thì số người tự tử càng nhiều và toàn là những nguyên nhân không đáng. Vào năm 2009, khi tham gia hội thi bắn súng được tổ chức trên địa bàn, Xã đội trưởng xã An Nghĩa đạt điểm số thấp hơn một du kích dưới quyền. Không ai chọc ghẹo gì nhưng vì tự thấy xấu hổ nên trên đường về nhà, anh xã đội trưởng ghé vào rừng thắt cổ tự tử chết. Năm 2011, trong một đám cưới, ông Đinh Văn Hùng, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã An Quang, có lời qua tiếng lại với một người làng. Sau khi ăn cưới về, ông Hùng lên giường nhưng khó ngủ nên bảo vợ tắt ti vi. Vợ không nghe, ông Hùng ra sau vườn treo cổ tự tử...

 

Khi tham gia hội thi bắn súng được tổ chức trên địa bàn, Xã đội trưởng xã An Nghĩa đạt điểm số thấp hơn một du kích dưới quyền. Không ai chọc ghẹo gì nhưng vì tự thấy xấu hổ nên trên đường về nhà, anh xã đội trưởng ghé vào rừng thắt cổ tự tử chết

Ngoài vấn nạn tự tử, những tập tục lạc hậu cũng đã cướp đi 33 sinh mạng của đồng bào vùng cao ở các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh... Trong đó, 17 vụ liên quan đến nghi cầm đồ thuốc độc (người bị nghi có bùa ngải hại người), 9 vụ nghi ma gang, 3 vụ nghi ma lai... Năm 2002, ông Đinh Văn Thức (ở thôn 3, xã An Quang, H.An Lão) qua đời sau một thời gian lâm bệnh nặng. Bà Đinh Thị Gây (47 tuổi, ở cùng thôn) địu con nhỏ, gùi theo một ché rượu là lễ vật đến viếng. Khi bà Gây đang vẩy rượu để tiễn đưa linh hồn ông Thức, Đinh Văn Ngơ (ở cùng làng) chạy đến chửi bới, hăm dọa vì cho rằng bà Gây bỏ “đồ độc” làm cho mẹ vợ, cháu, anh ruột mình chết. Sau đó, Ngơ dùng rựa đuổi rồi chém bà Gây đến chết. Khi công an xử lý Ngơ, dân làng phản ứng, ngăn cản vì cho rằng Ngơ đã “trừ họa” cho dân làng. Năm 2005, một lần dự đám cưới, anh Đinh Văn Dây, cán bộ xã An Trung (H.An Lão) chỉ vì có lời nói và việc làm không giống người làng nên bị mọi người đòi giết để “trừ họa”. Chính Đinh Văn Nghĩa (anh vợ của Dây) là người đã vác dao đâm chết anh Dây ngay tại tiệc cưới.

Tự giết mình để gây đau khổ cho người thân

Đại tá Trần Ngọc Thanh, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định, phân tích: Tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số tự tử ở các tỉnh khác đều xảy ra nhưng nhiều như Bình Định là một hiện tượng xã hội bất thường. Trong vòng hơn 10 năm qua, dân tộc Hơ rê đã có 112 người tự tử, chiếm tỷ lệ 1,22% dân số tại địa phương (khoảng 9.176 nhân khẩu); người dân tộc Ba na có 157 người tự tử, chiếm 0,81% dân số (khoảng 19.284 nhân khẩu), dân tộc Chăm có 23 người tự tử, chiếm 0,4% dân số (khoảng 5.726 nhân khẩu)... Tình hình tự tử, tập tục lạc hậu tăng cao có phần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương khi thiếu quan tâm, xem tự tử, tập tục lạc hậu là việc nội bộ của dân mà chưa đề ra các biện pháp ngăn chặn.

 Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định, cũng đồng quan điểm khi cho rằng: Nạn tự tử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một hiện tượng xã hội bất thường và có chiều hướng gia tăng. Đa phần những trường hợp tự tử hầu hết đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, 85,8% trong đó thuộc diện hộ nghèo. Nạn nhân của những vụ tự tử, cầm đồ thuốc độc... thuộc mọi thành phần trong xã hội, cán bộ, đảng viên cũng có. Ông Thanh nói: “Đặc điểm tính cách, tâm lý của người miền núi là bộc trực, trọng tín nghĩa nhưng cũng rất tự ti, mặc cảm. Họ sống khép kín, ít biểu lộ cảm xúc, nhất là những sự việc có tính tế nhị trong sinh hoạt gia đình. Do vậy, khi phát sinh mâu thuẫn không giải quyết được, hoặc bế tắc trong cuộc sống là nghĩ ngay đến cái chết. Hành vi tự tử được xem là một phản ứng bộc phát chống đối hay trả thù một cách tiêu cực, tự giết mình để gây ra sự đau khổ cho người thân”.

Theo ông Trần Công Sý - Trưởng ban Dân tộc Tỉnh ủy Bình Định, để ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, chính quyền phải tăng cường các giải pháp về kinh tế, chăm lo cải thiện đời sống của người dân, phát huy giá trị thực tiễn của các luật tục truyền thống. “Muốn ngăn chặn nạn tự tử, cầm đồ thuốc độc... ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết phải tăng cường nâng cao dân trí cho người dân. Muốn vậy, phải xây dựng cho được lực lượng già làng, trưởng bản thật sự có uy tín để họ giữ vai trò xung kích trong cuộc vận động về giảm thiểu tác hại của nạn tự tử, đấu tranh với những tệ nạn xã hội trong đồng bào”, ông Sý nói.

Chết oan vì hủ tục

Từ lâu nay, ở các huyện miền núi Quảng Ngãi xảy ra nhiều cái chết thương tâm do bị đánh đập dã man hoặc do lo sợ quá phải tự tử. Nguyên nhân chính là “bóng ma” hủ tục lạc hậu với nạn nghi cầm đồ thuốc độc. Theo thống kê của Công an H.Ba Tơ, từ năm 1999 đến tháng 6.2009, trên địa bàn huyện xảy ra 61 vụ với 67 người bị nghi cầm đồ thuốc độc. Hậu quả làm 12 người bị thương, nhiều người phải bỏ làng ra đi, 3 người vì quá lo sợ đã tự tử chết. Vào cuối tháng 9.2010, tại làng Kà Tu, thôn Tà Cơm, xã Sơn Thủy, H.Sơn Hà, do nghi ngờ ông Đinh Văn Nên có “đồ thuốc độc” nên 4 hung thủ ở cùng làng đã dùng gậy đánh đến chết rồi đổ thuốc diệt chuột lên xác nạn nhân nhằm che giấu tội lỗi. Hay như vụ ông Đinh Hà Roan, ở thôn Làng Riềng, xã Sơn Kỳ, H.Sơn Hà, bị 8 người trong làng đánh chết thì đã có 5 người gọi ông Roan bằng chú và cậu ruột.

Hiển Cừ

Hoàng Trọng

>> Tìm giải pháp ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc ít người
>> Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Chơ Ro
>> Chăm lo cho đồng bào dân tộc
>> Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.