Chết trên đống tài sản

26/05/2017 05:51 GMT+7

Đó là bi kịch của hàng loạt doanh nghiệp sản xuất những năm 2012 khi sức mua trên thị trường sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến tồn kho tăng mạnh.

Chính phủ sau đó đã phải đưa ra một loạt các biện pháp như giãn, giảm, ưu đãi thuế; doanh nghiệp (DN) thì giảm giá hàng hóa; các tổ chức hiệp hội thì kêu gọi người Việt mua hàng Việt để kích cầu tiêu dùng.
Bi kịch này đang có nguy cơ lặp lại với ngành ngân hàng (NH) nếu khối nợ xấu, được ví như "cục máu đông" làm nghẽn mạch lưu thông vốn trong nền kinh tế nhưng đã tồn tại hơn 6 năm nay không được giải quyết.
Tại sao lại nói "chết trên đống tài sản"? Bởi hầu hết các khoản nợ xấu trong hệ thống NH đều có tài sản đảm bảo, đa số là bằng bất động sản với giá trị rất lớn nhưng bị "giam lỏng" không bán được.
Về nguyên tắc, khi khách hàng không trả được nợ thì NH có quyền bán tài sản thế chấp thu hồi vốn. Nếu giá trị tài sản nợ cao hơn giá trị vay thì quá tốt, không có gì để bàn. Nhưng nếu thấp hơn, cũng là lẽ đương nhiên.
Vì nợ xấu của NH cũng giống như hàng tồn kho của các DN sản xuất. Muốn bán được thì phải bán rẻ, thậm chí phải chấp nhận bán rẻ hơn giá vốn. Với DN, vấn đề quan trọng nhất lúc này là thu hồi để quay vòng vốn chứ không nhất thiết phải có lời. Thế nhưng bao năm nay, các NH "bó tay" không thể xử lý nổi vì vướng quá nhiều nút thắt về cơ chế, chính sách, quan điểm... Những nút thắt này được "tháo" trong dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang trình Quốc hội tại kỳ họp này. Đó là lý do vì sao, rất nhiều ý kiến hay không quá lời khi nói, cả nền kinh tế đang kỳ vọng, nghị quyết sẽ được thông qua.
Đặt ngược lại vấn đề của nền kinh tế sẽ thấy, kỳ vọng này là hoàn toàn chính đáng. Tại phiên họp khai mạc Quốc hội cách đây 4 ngày, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay.
Muốn vậy, một trong những lý do không thể thiếu là nền kinh tế phải được cấp vốn đầy đủ với giá vốn (lãi suất) cạnh tranh. Mà vốn cho sản xuất hiện nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống NH nhưng một phần lớn nguồn vốn của NH lại tồn đọng ở dạng nợ xấu. Nếu không giải quyết được thì NH không thể có nhiều vốn để cho vay. Vốn ít thì lãi suất phải cao, kéo theo sức cạnh tranh của DN yếu, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Nợ xấu đã tồn đọng 6 năm nay, cũng có nghĩa một nguồn lực lớn của xã hội đã bị đóng băng từng ấy thời gian trong khi hàng ngàn, hàng vạn DN thiếu vốn, không tiếp cận được vốn. Đây không chỉ là một nghịch lý mà còn là một sự lãng phí hết sức lớn lao. Vì thiếu vốn, biết bao DN phải ngậm ngùi "bán mình" cho đối tác ngoại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt khi mở cửa thị trường hội nhập. Vì lãi suất cao, biết bao thương hiệu Việt bị chèn ép, bị mất thị phần trên chính sân nhà. Đặc biệt ở thời điểm này, khi chúng ta đang phát động phong trào khởi nghiệp với mục tiêu 1 triệu DN đến năm 2020 thì việc thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng NH hay lãi suất không cạnh tranh cũng ảnh hưởng đến cuộc cách mạng quốc gia khởi nghiệp.
Tất nhiên, ngay cả khi nghị quyết được thông qua, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng nếu không xử lý thì không chỉ NH mà sẽ không ít DN sẽ rơi vào bi kịch "chết trên đống tài sản". Nói vậy để thấy, giải quyết khối nợ xấu trong hệ thống NH là hết sức cần thiết, cấp thiết và đã đến lúc cần có sự đồng lòng, một quyết tâm chính trị để giải quyết triệt để "cục máu đông", khơi thông vốn cho nền kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.