Chỉ 3 ca mắc bạch hầu tại Mường Lát, vì sao Thanh Hóa công bố dịch?

Liên Châu
Liên Châu
11/08/2024 19:22 GMT+7

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, với mức độ hiện nay, công bố dịch bạch hầu thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (H.Mường Lát) đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu và nhiều trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh nêu trên.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, không để  lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 13.7.2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Chỉ 3 ca mắc bạch hầu tại Mường Lát, vì sao Thanh Hóa công bố dịch?- Ảnh 1.

Nhân viên Y tế H.Mường Lát lấy mẫu của những người tiếp xúc gần ca bệnh bạch hầu

H.MƯỜNG LÁT

Đồng thời, Sở Y tế Thanh Hóa tăng cường khẩn trương rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế Thanh Hóa rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Đảm bảo vắc xin, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Trường hợp cần thiết, huy động nhân lực, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch; kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Khai báo y tế báo cáo dịch

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, đã đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế) theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Về việc Thanh Hóa công bố dịch bạch hầu tại Mường Lát khi tại địa phương mới chỉ có 3 ca bạch hầu, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho hay, việc công bố dịch bệnh nhóm B như bệnh bạch hầu do UBND tỉnh, thành quyết định, trên cơ sở đánh giá các yếu tố dịch tễ.

Chỉ 3 ca mắc bạch hầu tại Mường Lát, vì sao Thanh Hóa công bố dịch?- Ảnh 2.

Những người sống tại nơi có ổ dịch bạch hầu cần uống kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn của cơ quan y tế

TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN MƯỜNG LÁT

Theo quy định hiện hành (tại khoản 2 điều 2 Quyết định 02/2016/QĐ-TT) điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B gồm 3 điều kiện:

Một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 3 năm gần nhất.

Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên.

Một tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.

Để đánh giá, công bố dịch, ngay sau khi nhận được thông tin người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh truyền nhiễm, sở y tế tại nơi người mắc bệnh truyền nhiễm cư trú có trách nhiệm tổ chức điều tra xác minh dịch.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xác định có dịch, sở y tế nơi có dịch xảy ra có trách nhiệm báo cáo chủ tịch UBND tỉnh.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo của sở y tế, chủ tịch UBND tỉnh nơi xảy ra dịch có trách nhiệm xem xét, quyết định việc công bố dịch nhóm B theo thẩm quyền.

Theo chuyên gia về y tế dự phòng, với công bố dịch bạch hầu tại H. Mường Lát, Thanh hóa sẽ thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch. Biện pháp phòng chống dịch, cùng với thực hiện với các quy định tổ chức cách ly y tế, tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, vệ sinh tiệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch cần thực hiện: khai báo, báo cáo dịch, các biện pháp bảo vệ cá nhân và các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.

Trong trường hợp có từ 2 tỉnh trở lên đã công bố cùng một dịch bệnh truyền nhiễm thuộc danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm công bố dịch (theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 38 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm).

Trung tâm Y tế H.Mường Lát (Thanh Hóa), cho biết từ ngày 9.8, đơn vị này đã triển khai cho gần 800 người dân khu phố Đoàn Kết (TT.Mường Lát, H. Mường Lát) uống thuốc dự phòng bạch hầu theo phác đồ của Bộ Y tế.

Ổ dịch bạch hầu được phát hiện từ ngày 5.8, tại khu phố Đoàn Kết (TT.Mường Lát), đến ngày 11.8, ghi nhận 3 ca nhiễm bạch hầu và đang được điều trị tại các bệnh viện.

Ngày 11.8, Thanh Hóa công bố dịch bạch hầu ở Mường Lát.

Trước khi xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại H.Mường Lát, Thanh Hóa, trong các tháng đầu năm 2024, trong nước đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bạch hầu (trong đó 1 trường hợp tử vong).

Cụ thể: tỉnh Hà Giang có 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong các tháng 1, 2, và 4 tại các ổ dịch H.Mèo Vạc, H.Đồng Văn, H.Yên Minh.

Tỉnh Nghệ An có 1 trường hợp mắc và tử vong trong tháng 6 ở H.Kỳ Sơn.

Tỉnh Bắc Giang có 1 trường hợp mắc bệnh trong tháng 7 ở H.Hiệp Hòa, là ca tiếp xúc gần với trường hợp tử vong ở tỉnh Nghệ An.

Năm 2023, cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại 3 tỉnh Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên, số mắc tập trung vào 5 tháng cuối năm (55 trường hợp mắc), trong đó 7 trường hợp tử vong.


Nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh.

Vi khuẩn bạch hầu chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh; lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Các triệu chứng bệnh bạch hầu bao gồm đau họng, khó chịu, ho, khàn giọng, nuốt đau, chảy nước mũi có máu và chảy nước bọt. Bệnh nhân sốt nhẹ hoặc không sốt.

Đặc trưng tổn thương có màng màu trắng xám, ban đầu phủ amidan sau đó nhanh chóng lan đến lưỡi gà, vòm miệng mềm và thành sau của họng. Trong trường hợp nghiêm trọng, tổn thương gây cản trở đường thở, suy hô hấp. Khi độc tố bạch hầu lan truyền vào máu sẽ dẫn đến tổn thương tim, thận và dây thần kinh ngoại biên qua trung gian độc tố.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc xin có chứa thành phần bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày. Nhà ở, lớp học phải được đảm bảo vệ sinh sạch, có đủ ánh sáng.

Người tiếp xúc gần ca bệnh, người sống tại ổ dịch cần uống kháng sinh dự phòng theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu mắc hoặc nghi mắc bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.