Trở về từ Nhật Bản, nhóm học sinh Trường THCS Tây Sơn (Đà Nẵng) vẫn vẹn nguyên cảm giác hạnh phúc ngất ngây khi nhận giải thưởng Liên hoan phim học sinh châu Á.
Chỉ với 3 phút, phim ngắn Lan, đừng khóc! do các học sinh thực hiện đã nói lên được những điều rất lớn. Trong xã hội, người có HIV/AIDS bị kỳ thị nặng nề, trẻ em không may có HIV khó hòa nhập vào xã hội. Bằng thước phim ngắn của mình, những nhà làm phim nhí đã nói lên một tiếng nói rất chân thành, làm người lớn phải giật mình.
Câu chuyện Lan, đừng khóc! mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và hơi thở của thời đại. Đó là câu chuyện của cô học sinh tên Lan có HIV bị nhiều bạn trong lớp biết và kỳ thị.
Được cô giáo giải thích cặn kẽ về HIV và hướng dẫn thêm những kiến thức về căn bệnh HIV/AIDS. Nhiều học sinh hối hận vì hành động kỳ thị của mình, đã tỏa ra đi tìm Lan, lúc đó Lan đang ngồi khóc trên một bến nước, mắt đăm đắm nhìn xuống dòng nước sông đục ngầu. Một bạn nam đã đến xin lỗi Lan và chìa tay ra để Lan nắm. Kết thúc phim, hai bạn cùng nắm tay nhau trở lại trường.
Tất cả các khâu của phim ngắn trên đều do 3 học sinh của Trường THCS Tây Sơn Đà Nẵng gồm: Trịnh Lan Phương (lớp 7/9), Võ Tuấn Quang (lớp 8/9) làm diễn viên; Phan Thị Thùy Dung (lớp 7/9) làm quay phim; cô giáo Phạm Thị Phong (tổ trưởng môn Ngữ văn của trường) hướng dẫn và đóng vai cô giáo. Toàn bộ kịch bản đều do 3 học sinh viết lẫn dựng phim và làm hậu kỳ.
Lan, đừng khóc! giành được giải ba của Liên hoan phim học sinh Việt Nam, nên cả nhóm có được một tấm vé sang Nhật Bản dự liên hoan. Và bất ngờ hơn là trong 116 phim của học sinh các quốc gia châu Á dự thi, Lan, đừng khóc! lại giành được 1 trong 5 giải Ưu tú (giải xuất sắc nhất cuộc thi).
Đối với cô giáo Phạm Thị Phong, người có "thâm niên" hướng dẫn những học sinh của trường làm phim (đây là lần thứ 2 trường giành được giải thưởng lớn tại Liên hoan phim học sinh châu Á), rút ra được kinh nghiệm: "Phim học trò phải tự học trò làm thì mới mang được chất hồn nhiên vào cuộc sống. Lời thoại không cần nhiều vì người xem sẽ phải chú ý đến lời thoại dễ quên đi hình ảnh. Điều quan trọng nhất là những bộ phim ngắn của học sinh mang đậm tính nhân văn, hơi thở cuộc sống".
Diệu Hiền
Bình luận (0)