Chỉ cần sự phối hợp nhỏ

28/11/2013 02:19 GMT+7

Báo Thanh Niên ngày 25.11 vừa qua có bài viết 17.000 công ty du lịch chui ở Sài Gòn. Thực tế con số có thể nhiều hơn. Đây là một trong nhiều vấn nạn nhức nhối của du lịch thành phố. Đã có nhiều hội thảo, kiến nghị nhưng chẳng đi tới đâu vì các biện pháp nửa vời hoặc thiếu thực tế.

>> Hàng ngàn công ty du lịch “chui”
>> Cẩn thận mất tiền oan với du lịch “chui” cuối năm  

Điệp khúc “thiếu người nên không thể kiểm tra xuể” cứ lặp đi lặp lại.

Để giải quyết vấn nạn trên không quá khó. Cái chính là có thật sự muốn làm và quyết làm hay không? Đặc điểm của du lịch, kể cả du lịch chui là đều đi theo nhóm, theo đoàn và có tổ chức, dù là tự phát. Không chỉ có du lịch chui nội địa mà còn có cả du lịch chui inbound (người nước ngoài vào Việt Nam) và outbound (người Việt Nam và nước ngoài đi nước thứ 3). Nguyên nhân do quản lý yếu kém mà sâu xa là quy định quá dễ dãi việc thành lập công ty lữ hành.

Luật quy định giám đốc công ty lữ hành rất chung chung, chỉ cần “3 năm (nội địa) - 4 năm (quốc tế) kinh nghiệm” (chưa rõ kinh nghiệm gì?). Giám đốc không cần trình độ văn hóa, nghiệp vụ; trong khi hướng dẫn viên quốc tế phải tốt nghiệp đại học! Các quy định về vốn, mặt bằng cũng không khả thi để giám sát và hậu kiểm. Quy định thì mập mờ, quản lý thì lỏng lẻo nên hỗn loạn là phải.

Trong khi chờ sửa luật và cả những văn bản dưới luật không còn phù hợp, chỉ cần ngành du lịch phối hợp với công an biên phòng các cửa khẩu. Nếu không đủ người giám sát thì nhờ họ kiểm tra giúp giấy phép kinh doanh của các nhóm, đoàn khách xuất hay nhập cảnh khi có nghi ngờ. Với du lịch nội địa cũng vậy. Phối hợp với các trọng điểm du lịch kiểm tra giấy phép kinh doanh các đoàn có dấu hiệu chui. Làm được vậy, các công ty ma, cả trong và ngoài nước, khó còn đường sống. Việc này du lịch Campuchia và Thái Lan đã làm rất tốt.

 Bên cạnh đó, phải xử thật nghiêm, ngoài tiền phạt nặng, còn bị rút giấy phép, cấm vĩnh viễn kinh doanh du lịch... các đơn vị cố tình vi phạm để răn đe và giữ kỷ cương phép nước. Người dân có nhu cầu đi du lịch cũng phải tìm hiểu kỹ các dịch vụ và cả giấy phép khi “chọn mặt mua tour”. Khi có sự cố, kiên quyết đòi bồi hoàn sòng phẳng. Nếu cần, nhờ pháp luật can thiệp.

Đó cũng là cách giúp ngành du lịch làm ăn nghiêm túc để cạnh tranh bình đẳng và tăng tốc phát triển bền vững.

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.