Chỉ có một giải nhất tại hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo

28/12/2022 14:30 GMT+7

Hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo năm 2022 chỉ có một giải nhất cho đội xuất sắc nhất.

Ngày 27.12, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Hội Tin học, Thành đoàn TP.HCM, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức tổng kết hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trao giải nhất của cuộc thi

thu hoài

Hội thi năm nay gồm có 2 nhóm dự thi: nhóm 1 là thử thách trí tuệ nhân tạo (AI Challenge) với chủ đề "Truy vấn sự kiện từ dữ liệu thị giác" (Event Retrieval from Visual Data) được tổ chức theo chuẩn của các cuộc thi quốc tế; nhóm 2 là sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI solution).

Sau hơn 3 tháng triển khai, hội đồng chấm thi đã tìm ra 13 đội thi xuất sắc nhất được trao giải. Trong đó, ở nhóm AI Challenge có 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 5 giải khuyến khích.

Giải nhất thuộc về đội Helios của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM). Các sinh viên của nhóm Helios bao gồm Lê Trần Trọng Khiêm, Võ Anh Hào, Trần Doãn Thuyên, Nguyễn Thành Công.

Các đội thi khác của Trường ĐH Công nghệ thông tin cũng giành được giải thưởng. Cụ thể, đội TIUday, AIForFun, AI Solution, Dense đã nhận lần lượt các giải nhì, ba và khuyến khích sau khi vượt qua hơn 130 đội với 313 thí sinh từ nhiều trường đại học và công ty trên cả nước.

Ở nhóm AI Solution, có 2 giải ba và 2 giải khuyến khích. Các đội của Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC và Công ty CP Công nghệ Phenikaa MAAS đoạt giải ba.

Trong cuộc thi năm nay, các đội phải xây dựng hệ thống tìm kiếm đoạn video theo yêu cầu của ban tổ chức trong tổng số hơn 300 giờ video cho trước.

Giải pháp được đánh giá bằng hệ thống tự động dựa trên thời gian kết quả trả về và độ chính xác nhất với yêu cầu từ ban tổ chức (đoạn video cần tìm kiếm sẽ được chiếu hoặc được mô tả thông qua một đoạn văn bản).

Đây là bài toán có nhiều thách thức khi cần kết hợp nhiều lĩnh vực như thị giác máy tính (computer vision), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), xử lý tiếng nói (speech processing)...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.