Chị dâu là phim điện ảnh thứ ba của đạo diễn/diễn viên Khương Ngọc, sau Rừng xanh kỳ lạ truyện (2017) và phim kinh dị Live: Phát trực tiếp (2023). Trả lời truyền thông, anh nói bản thân cố gắng dung hòa giữa cái tôi nghệ thuật và tính giải trí, mang đến một tác phẩm chiếu rạp có điểm chạm hơn, song đồng thời cũng cài cắm chất “hài đen” vốn là sở trường của mình.
Phim xoay quanh Kiều Nhị (Việt Hương), bà chủ tiệm vàng, đồng thời cũng là người bảo bọc 4 cô em chồng và quán xuyến những việc hệ trọng trong gia đình sau khi chồng bà qua đời. Trong buổi đám giỗ quy tụ đủ hàng xóm láng giềng, bà Nhị tuyên bố bỏ tiền sửa sang nhà từ đường của gia tộc. Điều này trái ngược quan điểm của 4 cô em, từ đó giữa họ xảy ra nhiều mâu thuẫn, các bí mật đen tối cũng dần bị hé lộ.
'Đám giỗ bên cồn' với nhiều điểm chạm
Ngay từ đầu phim, Khương Ngọc dành thời lượng giới thiệu từng thành viên trong gia đình toàn nữ, với các câu chuyện riêng biệt. Bà Hai Nhị trong mắt các cô em là “người dưng” nhưng lại thích thể hiện quyền lực, độc tài, hay “hành” người khác. Trên thực tế, nhân vật thường âm thầm giúp đỡ, tìm cách bảo vệ các em cũng như giữ hòa khí trong nhà. Cô ba Kỳ (Hồng Đào) là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có cái nhìn cay độc về đàn ông, nghiện rượu, luôn là người đầu têu cạnh khóe với chị dâu. Cô tư Thu (Lê Khánh) là kế toán với tính tình ba phải, gió chiều nào theo chiều nấy. Ánh (Đinh Y Nhung) sở hữu tính cách lầm lì, không có tiếng nói trong gia đình, còn cô út Như (Ngọc Trinh) thì lệ thuộc chị dâu do nợ nần chồng chất.
Lấy bối cảnh chính là buổi đám giỗ, nhà làm phim mang đến một câu chuyện vừa lạ, vừa quen, mà có lẽ không ít người xem từng trải qua. Đám giỗ là dịp con cháu cùng tề tựu để tỏ lòng yêu kính ông bà, nhưng cũng là lúc các vết thương tâm hồn âm ỉ cứ chực chờ trỗi dậy. Những câu hỏi rất đỗi riêng tư về tiền lương, hạnh phúc gia đình, giới tính con cái,... tưởng như là phép xã giao đối với người miền quê, nhưng trở thành vết dao cứa vào tim người trong cuộc. Chẳng hạn, Kỳ cảm thấy bực tức, bất mãn khi cô con gái 16 tuổi Nhi (Khazsak) liên tục bị người lạ đụng chạm, chất vấn. Hay cô út Như luôn thấy lép vế, tủi nhục vì mang danh “gánh nặng” của gia đình.
Nhằm đẩy mâu thuẫn lên đến cao trào, kịch bản Chị dâu đầu tư phần thoại nặng tính châm biếm, đả kích. Mỗi cô em chồng đều cho mình là nạn nhân, song lại vô tình hay cố ý làm tổn thương người khác vì những ẩn ức của mình. Người xem được đặt mình vào góc nhìn của bà Nhị, từ đó thấy được bức tranh toàn cảnh vừa hỗn độn nhưng cũng rất chân thực, dễ tìm thấy ở nhiều gia đình Việt Nam đông con.
Tuy nhiên, nhà làm phim không cố gắng bi kịch hóa, hay tạo “drama” để câu dẫn cảm xúc khán giả. Giữa những khoảnh khắc căng thẳng, nhân vật Lê Khánh thực hiện tốt vai trò “cây hài”, mang đến tiếng cười qua các câu thoại “ba phải”, “thảo mai” của mình. Tương tác giữa các chị em dù “khắc khẩu”, nhưng thỉnh thoảng vẫn ẩn chứa các tình huống dở khóc dở cười, làm dịu cảm xúc của người xem.
Việt Hương - Hồng Đào tỏa sáng khi vào vai đối trọng
Trong vài tác phẩm điện ảnh gần đây, Việt Hương có sự tiết chế trong diễn xuất. Nữ nghệ sĩ thôi vào vai ồn ào, bổ bã, thay vào đó dành nhiều khoảng lặng, giúp người xem dễ nhìn ra tâm tình của nhân vật hơn. Đến Chị dâu, Việt Hương chọn lối diễn cân bằng cảm xúc, khắc họa tâm lý bà Nhị qua lời thoại, biểu cảm từ khóe miệng, đôi mắt, mang đến chiều sâu cho vai diễn.
Ngược lại, nghệ sĩ Hồng Đào vào vai có nhiều sự bùng nổ, tựa như “bom nổ chậm” không biết khi nào sẽ vỡ òa. Từ Thưa mẹ con đi (Trịnh Đình Lê Minh) đến Mai (Trấn Thành), Hồng Đào mang đến những sắc thái khác nhau cho hình tượng người mẹ. Vẫn là sự yêu thương, khắc nghiệt vì thương con như các phiên bản trước, nhưng vai diễn Kỳ lần này có sự cực đoan, cay độc do không còn có thể nương tựa vào người chồng, người cha. Hồng Đào có lối diễn nội lực và ám ảnh, nhiều phân cảnh “chiếm sóng” nhờ những màn độc thoại đầy chua xót.
Công bằng mà nói, tuyến phụ Lê Khánh, Ngọc Trinh, Đinh Y Nhung có lối diễn chủ động, tự nhiên, đủ sức thuyết phục người xem. Tuy nhiên, “ánh đèn sân khấu” chỉ thực sự thuộc về hai vai chính Việt Hương - Hồng Đào, với những màn tranh cãi nảy lửa trở thành tâm điểm của phim.
Tuy nhiên, kịch bản không biến ai trở thành “kẻ phản diện” trong câu chuyện. Đằng sau các cuộc cạnh tranh như sóng ngầm giữa những người phụ nữ, là trái tim đã bao lần tan vỡ, chỉ chờ nhau một tiếng giảng hòa để lành lại như ngày đầu. Khương Ngọc chọn cách tiếp cận văn minh, khi để các chị em ngồi lại chất vấn, nói về nỗi niềm của nhau, thay vì lao vào chì chiết, ẩu đả, như vài phim Việt lấy chủ đề gia đình thường làm. Cách giải quyết mâu thuẫn ôn hòa, song vẫn đủ kịch tính, các phim Hollywood làm về gia đình châu Á, từ đó mang đến giá trị “độc, lạ” cho tác phẩm.
Tất nhiên, phim vẫn có những điểm trừ đáng tiếc. Trong khi loay hoay “tẩy trắng” cho bà Nhị để dẫn đến cái kết êm đẹp cuối phim, Khương Ngọc để bà Nhị phải tự bộc bạch, “minh oan” quá nhiều. Các tình huống từ hồi ba của tác phẩm bỗng trở nên nặng tính sắp đặt, cốt là để tìm cớ cho các chị em cùng trải qua thách thức, từ đó mới nối lại tình xưa. Lẽ ra, nhà làm phim có thể tạo ra một nhân vật trung gian, đóng vai trò hàn gắn nhóm nhân vật chính, thay vì cứ để mỗi vai diễn phải tự nói ra nỗi khổ, niềm đau chôn giấu của mình - làm cho thông điệp vốn nhân văn, nhưng cách truyền tải lại cồng kềnh.
Nhìn chung, Chị dâu là phim thuộc chủ đề gia đình có chất lượng kịch bản tốt, cùng phần nhìn chỉn chu, thể hiện được sự cầu thị của nhà làm phim. Giữa các tác phẩm Việt Nam khác cùng đề tài, phim chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng mà sâu cay, từ đó dễ “chạm” vào trái tim người xem.
Bình luận (0)