Chỉ đích danh

19/10/2013 03:00 GMT+7

Báo cáo thực hiện luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 của Chính phủ có một điểm mới, đó là ngoài báo cáo đánh giá chung có kèm các phụ lục, chỉ đích danh những địa phương, công trình, dự án có sai phạm về quản lý, vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong bối cảnh nhiều báo cáo thường chung chung, thì đây được coi là bước tiến về sự công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, sau khi nhận diện đầy đủ như thế, điều cần kíp là xử lý những sai phạm ấy như thế nào? Ai phải chịu trách nhiệm, chế tài ra làm sao thì cần tiếp tục làm rõ. Phần nguyên nhân cần được đánh giá cụ thể hơn là nêu chung chung, chẳng hạn như: chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện luật của người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức còn thiếu quyết liệt, chưa thường xuyên; một số quy định pháp luật hiện hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa cụ thể, chưa đồng bộ; chế tài xử lý vi phạm khó áp dụng; phân cấp quản lý một số lĩnh vực còn chưa phù hợp...

Tóm lại, cái gì cũng rõ, chỉ địa chỉ chịu trách nhiệm là cần được làm rõ. Nếu chỉ phê bình chung có thể làm tình trạng tham nhũng, lãng phí thêm trầm trọng, có thể biến “một bộ phận không nhỏ” thành một bộ phận rất lớn vì nhờn luật.

Lãng phí diễn ra khắp nơi, trên nhiều lĩnh vực, từ đất đai bỏ hoang, công trình xây dựng dang dở, khiến hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng đầu tư của nhà nước phơi mưa phơi nắng; tình trạng giải phóng mặt bằng ì ạch, làm phát sinh thêm hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tỉ đồng; giải ngân chậm làm giảm giá trị đồng vốn; tổ chức lễ hội tràn lan; đến xây trụ sở hoành tráng không sử dụng hết công năng, cán bộ sử dụng phương tiện làm việc vượt tiêu chuẩn cho phép. Và không sự lãng phí nào là vô cớ, khi mà nó đều xảy ra ở những khu vực công, sử dụng tài nguyên, tiền ngân sách nhà nước.

Mấu chốt của việc luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa phát huy hiệu quả cao chính là chế tài không nghiêm. Sau 7 năm mà các việc như công bố công khai các cơ quan, tổ chức vi phạm luật; kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí vẫn ở thì tương lai (sẽ) trong các báo cáo, cho thấy chống lãng phí chưa được coi trọng như nó vốn cần thế.

Cũng giống như các đạo luật khác, luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí muốn đi vào cuộc sống, giải quyết được thực trạng phức tạp thì cần có các điều khoản chế tài những hành vi nào và bằng cách gì? Hơn nữa, các quy định kiểu như “người đứng đầu phải giải trình với cơ quan chức năng và công luận khi để xảy ra lãng phí, thất thoát tại đơn vị mình” trong luật rất chung chung, không mang tính quy phạm trong một văn bản luật.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.