(TNO) Sau một thời gian dài tranh cãi, VTV đã chi 7 triệu USD (tương đương 150 tỉ đồng) để mua bản quyền truyền hình World Cup 2014, một quyết định nhận khá nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
>> VTV đã sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2014
>> VTV chưa thể sở hữu bản quyền World Cup 2014
>> Việt Nam sắp có bản quyền truyền hình World Cup 2014
|
Trên Thanh Niên Online, bạn trieulyphuquang (Hà Nội) trong bình luận của mình đã bày tỏ sự bất mãn với mức giá mà anh cho là quá tốn kém: “Quá tốn kém đối với một đơn vị Nhà nước, trong khi đối tượng phục vụ chỉ là số ít trong 90 triệu dân. Tư nhân chắc họ chả bỏ tiền phí phạm như thế”.
Cùng quan điểm, bạn mai vinh (Hải Phòng) cho rằng việc bỏ tiền ra mua với giá quá cao đã khiến chúng ta lỡ mất một cơ hội thể hiện tính đoàn kết trong cuộc chiến mặc cả giá với đối tác nước ngoài.
Trong phần bình luận khá gay gắt của mình, mai vinh đã viết: “Bản quyền bóng đá 7 triệu USD quá đắt. Việt Nam không cần mua với giá đó để lần sau truyền hình Việt Nam hợp sức mua sẽ không bị chèn ép… ".
Được biết số tiền VTV bỏ ra để mua bản quyền truyền hình World Cup 2014 thực tế thấp hơn con số 7 triệu USD. Bởi ngoài tiền bản quyền, nhà đài còn phải chi thêm một khoản 20% số tiền bản quyền để trả phí truyền dẫn từ Brazil về Việt Nam. Tức, giá bản quyền truyền hình VTV mua vào khoảng 5 đến 6 triệu USD, được cho là bằng giá gốc mà MP&Silva đã bỏ ra.
Tuy vậy, dạo một vòng qua các diễn đàn cũng như mạng xã hội, có thể thấy số lượng độc giả cảm thấy mừng khi World Cup “về” Việt Nam không ít. Nhưng ngay cả khi ấy, họ vẫn không bỏ được cảm giác bực dọc về việc bị nước ngoài lợi dụng.
Bạn Nguyễn Tuấn bực dọc bởi cái cảm giác nửa mừng nửa tức: “Mặc dù đây là tin vui với tôi và những người đam mê bóng đá, nhưng tôi vẫn thấy tiếc cho những đồng tiền phải bỏ ra quá nhiều. Thà rằng nhịn một kỳ World Cup để bọn độc quyền biết mặt, đừng phách lối, bắt chẹt. Nó không bán được cho mình thì nó cũng lỗ chổng vó”.
Nếu không có gì đột biến vào phút cuối, Việt Nam sẽ mua bản quyền truyền hình World Cup 2014 với giá 7 triệu USD. Đây lại là một cột mốc mới sau mức giá khoảng 3 triệu USD cho World Cup 2010 hay con số 4 triệu USD của EURO 2012.
Đáng tiếc, cột mốc ấy không khiến ai hài lòng bởi chỉ làm một phép nhẩm sơ bộ, dù đã thấp hơn nhiều con số hơn chục triệu USD đối tác MP&Silva chào bán, có thể thấy giá bản quyền truyền hình đã tăng với tốc độ phi mã, hơn gấp đôi chỉ sau 4 năm.
Bởi thế, không lạ khi trên mạng lúc này có cả một phong trào gọi là “anti-World Cup”, với những lý lẽ bất mãn về chi phí đắt đỏ, nạn cá độ khiến bao gia đình tán gia bại sản và cả sự thiếu đoàn kết của các nhà đài Việt Nam trước thủ đoạn nhồi giá của đối tác nước ngoài.
Một số ý kiến khác Quyền Nguyễn (TP.HCM): "64 trận diễn ra trong 1 tháng - rơi vào khung giờ khó xem với đa số người dân - kêu gọi quảng cáo trong khung giờ đó khó hơn thường lệ nhiều. Các nhà đài đang cân nhắc thu chi, bên bán chắc cũng đang áp lực vì World Cup đã gần kề. Việt Nam đang ép giá, đang đàm phán thôi, rồi sẽ có World Cup xem thôi, các bạn đừng lo lắng quá". Cà phê T7 (P.1 Q.4 TP.HCM): "1 phút coi World Cup 2014 tốn gần 37 triệu đồng. Khủng khiếp quá. Để số tiền này đầu tư xây thêm bệnh viện nhi, trường học thì có ích cho người dân hơn rất nhiều. Đề nghị những người có trách nhiệm cân nhắc thật kỹ càng trước khi quyết định. Không khéo khổ dân khổ đời con cháu chúng ta. Nợ công hiện giờ đã là 20 triệu VNĐ cho mổi người dân!". |
Tiểu Bảo
Bình luận (0)