Chi hàng trăm triệu đồng làm... đồ án tốt nghiệp: Điều gì quyết định điểm cao?

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
24/02/2024 06:00 GMT+7

Việc chi nhiều tiền cho đồ án tốt nghiệp liệu có phải là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp sinh viên có được điểm số cao?

"Liệu cơm gắp mắm"

Th.S Nguyễn Hồng Khiêm, Trưởng bộ môn thiết kế thời trang, Khoa Mỹ thuật công nghiệp - Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết yếu tố quyết định sinh viên (SV) có được điểm cao nằm ở việc phải chứng minh được tính hệ thống và sự sáng tạo trong đồ án. Bên cạnh đó là các yếu tố về ý nghĩa của đề tài, giá trị nhân văn và tính thẩm mỹ.

Theo Th.S Khiêm, đối với việc đánh giá đồ án, các tiêu chí được thiết lập dựa trên cơ sở thể hiện ý tưởng, phom dáng, màu sắc, họa tiết, lựa chọn và xử lý chất liệu… Các tiêu chí được đánh giá theo thang rubrics (công cụ đánh giá chỉ rõ các tiêu chí đạt được trên tất cả nhiệm vụ của sinh viên) nên việc hội đồng chấm điểm là có căn cứ rõ ràng và không cảm tính.

Chi hàng trăm triệu đồng làm... đồ án tốt nghiệp: Điều gì quyết định điểm cao?- Ảnh 1.

Đồ án tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang của Trần Lê Thảo Vy, tốt nghiệp Trường ĐH Tôn Đức Thắng

NVCC

"SV sẽ chi tiền từ giai đoạn thứ hai để phục vụ cho việc hiện thực hóa các sản phẩm, nhiều hay ít còn tùy thuộc điều kiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất vẫn nằm ở bản lĩnh nghề nghiệp, phải tính toán như thế nào để vừa chi ít tiền nhưng vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ của sản phẩm", Th.S Khiêm chia sẻ.

Th.S Khiêm cũng nhấn mạnh mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng, nhiều hướng đi khác nhau, vì vậy mỗi SV cần xác định mục tiêu trong tương lai là gì để tránh việc đầu tư không phù hợp. "Riêng về việc sử dụng kinh phí thực hiện đồ án ở góc nhìn của mình thì vẫn là "liệu cơm gắp mắm". Nên chủ động suy nghĩ nhiều hướng khác nhau để tìm ra giải pháp trước khi bắt buộc phải sử dụng quá nhiều kinh phí", Th.S Khiêm nhắn nhủ.

Th.S Lê Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng ngành thiết kế thời trang, Khoa Mỹ thuật và Thiết kế - Trường ĐH Văn Lang, cho biết có những SV chi ít tiền nhưng được điểm cao và ngược lại. Vì vậy, không có sự cạnh tranh khập khiễng giữa đồ án chi nhiều hay ít tiền.

Chi hàng trăm triệu đồng làm... đồ án tốt nghiệp: Điều gì quyết định điểm cao?- Ảnh 2.

Nhà thiết kế Nguyễn Minh Tuấn từng chi ít tiền cho đồ án tốt nghiệp nhưng vẫn đạt điểm giỏi

NVCC

"Sự cạnh tranh, kết quả điểm số cuối cùng đến từ nhiều yếu tố. Việc sử dụng tiền như thế nào tùy thuộc vào sự sắp xếp, chủ động của SV. Định hướng thiết kế từ đầu là do SV lựa chọn, không có quy định nào bắt buộc SV phải chi nhiều tiền cho đồ án. Các yếu tố để đánh giá đồ án bao gồm việc nghiên cứu đúng định hướng, sâu sắc, tính sáng tạo và phát triển giải pháp thiết kế, kỹ thuật thể hiện, kỹ năng thuyết trình…", Th.S Nhàn chia sẻ.

Th.S Nhàn cũng nhấn mạnh sản phẩm cuối cùng chỉ là một phần trong các hạng mục đánh giá. Việc đánh giá sẽ dựa trên hệ thống nghiên cứu, sự tiến bộ của SV trong suốt quá trình làm đồ án. SV ngành thiết kế thời trang muốn sử dụng tiền hợp lý và tiết kiệm thì lúc học cần rèn luyện tốt các kỹ năng chuyên ngành. "Một số SV xác định đồ án tốt nghiệp là một dự án khởi nghiệp, nên đó là thứ cần đầu tư. Đầu tư một việc mà hướng đến hai mục tiêu", Th.S Nhàn nói.

Sự cạnh tranh, kết quả điểm số cuối cùng đến từ nhiều yếu tố. Việc sử dụng tiền như thế nào tùy thuộc vào sự sắp xếp, chủ động của SV. Định hướng thiết kế từ đầu là do SV lựa chọn, không có quy định nào bắt buộc SV phải chi nhiều tiền cho đồ án.

Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng ngành thiết kế thời trang, Khoa Mỹ thuật và Thiết kế, Trường ĐH Văn Lang

Giải pháp nào cho sinh viên khó khăn ?

Th.S Nguyễn Thị Thảo Trang, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết trong quá trình học tập SV ngành thiết kế thời trang phải đầu tư cho đồ án tốt nghiệp để xây dựng thương hiệu cá nhân, tạo ấn tượng cho nhà tuyển dụng... Trong những buổi trình diễn đồ án tốt nghiệp, nhà trường có mời doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia. SV có sản phẩm nổi bật sẽ có cơ hội hợp tác, đồng hành với các đơn vị này. Ngoài bỏ tiền túi, SV có thể tìm kiếm nhà tài trợ cho những sản phẩm của mình hay nhờ sự hỗ trợ từ bạn học cùng ngành trong quá trình hoàn thiện thiết kế.

Thực tế cho thấy nhiều SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã phải rất nỗ lực để theo đuổi ngành học này. Bên cạnh đó, không ít bạn trẻ đã phải từ bỏ đam mê vì không đủ kinh phí theo đuổi. Về vấn đề này, Th.S Trang nhắn nhủ: "Các bạn trẻ đam mê nhưng có hoàn cảnh khó khăn thì hãy cứ mạnh dạn đăng ký học ngành thiết kế thời trang. Hằng năm nhà trường đều vận động được hơn 1 tỉ đồng để hỗ trợ học phí cho SV có thành tích học tập xuất sắc. Đặc thù ngành học phải có những sản phẩm thực tế nên sẽ tốn chi phí nhiều hơn các ngành khác. Tuy nhiên, không đến mức các bạn gia đình khó khăn không thể theo học, có chăng sẽ cần nhiều sự nỗ lực hơn".

Nhà thiết kế Nguyễn Minh Tuấn, người được mệnh danh là "nhà thiết kế của các hoa hậu", cho biết: "Mình cũng từng trải qua thời SV và quá trình làm đồ án tốt nghiệp rất tiết kiệm. Mình đã tự làm hết tất cả mọi thứ từ vẽ phác thảo, may đồ, đính kết, trang điểm cho người mẫu… Vì thế mình chỉ chi khoảng 10 triệu đồng để làm đồ án tốt nghiệp (thời điểm năm 2015 - PV) trong khi những bạn khác phải tốn 25 - 30 triệu đồng. Tuy chi ít tiền nhưng đồ án tốt nghiệp của mình vẫn đạt điểm giỏi".

Từng đi chấm đồ án tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang tại các trường ĐH nên anh Tuấn khuyên: "Trong quá trình làm đồ án tốt nghiệp, SV cần lưu ý tiết chế những khoản chi không cần thiết như nhờ thợ may đồ, thuê ê kíp sản xuất hình ảnh hay người mẫu có tên tuổi diễn trang phục… Điều SV cần tập trung trong quá trình học là năng lực, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp để phục vụ cho tương lai. Chuyên môn của các bạn càng cao thì chi phí để làm đồ án tốt nghiệp càng thấp".

Doanh nghiệp sẽ đầu tư vào đồ án tốt nghiệp ?

Chị Vũ Phương Uyên, từng đại diện tuyển chọn nhân sự cho Công ty cổ phần thời trang Kowil Việt Nam, nhãn hàng Winny, tại các buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang của Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, cho biết: "Doanh nghiệp có thể đầu tư vào đồ án tốt nghiệp của SV với điều kiện các bạn phải chứng minh mình là nhân tố mang lại điều mới mẻ, đột phá. Tuy nhiên, vào tình hình kinh tế như hiện tại, việc một doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vài trăm triệu đồng để tài trợ cho đồ án tốt nghiệp của một SV dường như khó xảy ra. Vì thế SV nên cân nhắc, chi tiêu hiệu quả cho các hạng mục, phải làm sao vừa thể hiện được ý tưởng nhưng vẫn tiết kiệm được chi phí".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.