Kết quả khảo sát này được chia sẻ trong hội thảo quốc gia Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới diễn ra sáng nay (24.2).
Chia sẻ tại hội thảo, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết trong 15 năm qua, đội ngũ tri thức đã tăng nhanh về số lượng, nhiều tri thức có trình độ cao, năng động sáng tạo, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Quân, trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, số cán bộ nghiên cứu/vạn dân còn thấp so với các nước trong khu vực. Thống kê từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy chỉ đạt khoảng 15,6 cán bộ nghiên cứu/vạn dân, đặc biệt là số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ còn rất thấp, chỉ với gần 30.000 tiến sĩ.
Cũng theo Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, công tác đào tạo khối ngành khoa học công nghệ chưa gắn nhiều với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chưa bền vững. Cụ thể số lượng nhập học không đồng đều giữa các nhóm ngành, có xu hướng giảm, nhất là ở trình độ sau ĐH. Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy số lượng nghiên cứu sinh các nhóm ngành này liên tục giảm trong 3 năm gần đây. Cụ thể, năm 2019 có 1.379 nghiên cứu sinh thì năm 2021 chỉ còn 1.010.
Ở bậc ĐH, số lượng thí sinh nhập học ngành công nghệ thông tin liên tục tăng, từ 46.173 sinh viên năm 2019 lên 56.260 sinh viên năm 2022, đạt 100% chỉ tiêu. Trong khi các ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống thì số lượng sinh viên nhập học chỉ đạt hơn 50% chỉ tiêu. Cá biệt có một số nhóm ngành khoa học không tuyển sinh được như ngành hải dương học, địa chất. Tổng số nhập học của các nhóm ngành này chỉ đạt chưa đến 30% tổng số sinh viên nhập học.
"Tỷ lệ sinh viên nhập học khối ngành toán, khoa học công nghệ thấp, có xu hướng giảm, phân bố không đồng đều, nguy cơ khủng hoảng thiếu-thừa", ông Quân nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ ra, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH tính trên GDP là rất thấp, chỉ đạt 0,25 - 0,27%, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 0,6 - 1%.
PGS-TS Vũ Hải Quân cũng nêu ra 2 vấn đề của ĐH Quốc gia TP.HCM. Cụ thể, theo kết quả khảo sát gần 20.000 sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, có khoảng 15,6% sinh viên muốn được làm việc cho các cơ quan trung ương tại Hà Nội. Điều này liên quan đến chính sách tuyển dụng với sinh viên từ phía Nam ra công tác tại các ban ngành ngoài Hà Nội. Khảo sát này cũng cho thấy tỷ lệ sinh viên giỏi muốn làm việc cho các cơ quan nhà nước còn thấp. Cụ thể, có 10,21% sinh viên giỏi muốn đi làm cho các cơ quan nhà nước.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM TP.HCM, nhấn mạnh đội ngũ trí thức của TP.HCM gồm những trí thức đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, kể cả những người tham gia phát triển TP trong và ngoài nước, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của TP.
Tuy nhiên, theo ông Mãi, TP vẫn chưa phát huy hết tiềm năng này cho sự phát triển của TP và sự phát triển chung của đất nước. "Vậy vấn đề gì đang cản trở điều này? Chính là cơ chế chính sách quy tụ, kết nối, phát huy đội ngũ trí thức", Chủ tịch UBND TP.HCM đặt vấn đề dẫn dắt. Trong thời gian vừa qua, theo ông Mãi, TP ban hành nhiều cơ chế chính sách, trong đó có cả nghị quyết để thu hút trí thức nhưng sau một thời gian chỉ thu hút được trên dưới 20 người.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, các chính sách của TP chưa bao gồm, chưa tiếp cận và động viên được đội ngũ trí thức của TP ở nhiều lĩnh vực. TP đang giao cho một số đơn vị nghiên cứu cơ chế chính sách mới nhằm thu hút đội ngũ trí thức trong và ngoài TP thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ linh hoạt.
Bình luận (0)