Bỏ qua các đợt sale khác để chờ đến Black Friday
Có mặt tại Saigon Centre, trên đường Lê Lợi, Q.1 (TP.HCM), Bùi Trạch Nhân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết đã chi hơn 15 triệu đồng để mua đồ giảm giá. "Mỗi tháng mình đều bỏ qua các đợt sale khác để chờ đến Black Friday, vì dịp này cửa hàng nào cũng giảm giá sâu", Nhân chia sẻ.
Nhân cho biết hàng năm đều chi hơn 10 triệu đồng để mua đồ giảm giá Black Friday. "Cứ tới cuối tháng 11 là mình sẽ tìm đến các trung tâm thương mại để săn sale Black Friday. Bởi vì vào dịp này, các mặt hàng điều sale hơn nửa giá nên chắc ăn là mua được với giá hời. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc chọn lựa kỹ, vì đa số hàng sale đều là các loại mẫu tồn kho nên sẽ hơi khó tìm được đồ đẹp, hợp xu hướng", Nhân nói thêm.
Nguyễn Thị Thúy An (22 tuổi), trọ tại đường số 8, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cũng không ngoại lệ. An cho biết bản thân đã "nhịn" săn sale để chờ đến Black Friday. "Trước đó, mình chỉ mua những vật dụng cá nhân thiết yếu, đợi đến Black Friday mới chi mạnh để mua quần áo, giày dép, tiết kiệm hơn nhiều", An nói. An cho hay đã chuẩn bị hơn 8 triệu đồng để tự biến mình thành "chiến binh" săn sale.
Dịp Black Friday năm nay, nhiều bạn trẻ cũng tranh thủ xem đây là cơ hội "vàng" để mua sắm đồ chuẩn bị mặc tết. Bùi Thanh Mai, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, chia sẻ: "Mình thường mua sắm luôn cho dịp tết vào Black Friday. Mua vào dịp này vừa tiết kiệm chi phí vừa không sợ hàng đội giá do tết".
Không chỉ săn sale Black Friday tại những cửa hàng, nhiều bạn trẻ còn tận dụng các sàn thương mại điện tử để kịp "chốt đơn". Nguyễn Thị Thu Cúc (27 tuổi), trọ ở đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho hay: "Mua sắm trực tuyến tiện lợi hơn vì không phải chen lấn và giá cả cũng tương đương".
Tuy nhiên, săn sale trực tuyến cũng có vài bất tiện. "Phải canh giờ, thường là các khung giờ khuya. Ngoài ra, việc đổi trả đồ cũng tùy thuộc vào từng cửa hàng, nên cần chú ý chọn những nơi bán có uy tín", Cúc chia sẻ.
Ngoài tiết kiệm từ đầu tháng để mua sắm, nhiều bạn trẻ chọn cách sử dụng thẻ tín dụng và trả nợ sau. Phạm Ngọc Minh Thư, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thừa nhận rằng mình thường sử dụng ví điện tử trả sau với hạn mức 10 triệu đồng để mua sắm.
"Thấy các biển giảm giá Black Friday được bày khắp các tuyến đường làm mình khó mà cưỡng lại. Mình đã dùng hết hạn mức trong thẻ tín dụng để mua sắm. Sau khi nhận thù lao làm thêm, mình sẽ trả lại khoản đã chi tiêu quá mức đó. Tuy nhiên, mình cũng hơi sợ do tháng trước lúc săn sale, bản thân đã mua sắm vượt quá khả năng chi trả. Điều này, dẫn đến việc mình phải gánh thêm các khoản nợ phát sinh", Thư nói.
Trần Thiên My (28 tuổi), đang trọ tại đường Võ Văn Ngân, P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết: "Mình có thẻ tín dụng với hạn mức 50 triệu đồng. Dịp khuyến mãi mình thường sử dụng thẻ để mua sắm chứ không riêng gì Black Friday. Cà thẻ giúp mình nhận thêm voucher, quà tặng và được hoàn tiền trên tổng hóa đơn. Mình cũng hay giúp bạn bè mua sắm để nhận hoàn tiền coi như kiếm ít hoa hồng để có phí đổ xăng xe. Cứ quẹt thẻ tín dụng trước, đợi lương về thì mình trả sau".
Tuy nhiên, việc dùng thẻ tín dụng cũng tiềm ẩn rủi ro. "Nếu trả nợ tín dụng không đúng hạn sẽ gặp khó khăn ngay. Đôi lúc chi tiêu quá tay mà không thanh toán kịp thời, phải chịu thêm phí phạt. Có lần mình chỉ trễ 1, 2 ngày mà đã phải chi thêm vài triệu đồng vì phí chậm trả", My chia sẻ.
Bình luận (0)