Chỉ lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm 49 chức danh chủ chốt

21/11/2012 10:15 GMT+7

(TNO) Với hơn 94% phiếu thuận, sáng nay 21.11, QH đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo đó, QH chỉ lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm (BPTN) đối với các chức danh như Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Theo đó, tổng số chức danh QH lấy phiếu và BPTN là 49 người.

Cũng theo Nghị quyết, HĐND sẽ lấy phiếu tín nhiệm và BPTN đối với Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, ủy viên thường trực HĐND, Trưởng Ban của HĐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND.

Nghị quyết nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm và BPTN là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của QH, HĐND; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, BPTN thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, qua đó làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm sẽ dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đối tượng lấy phiếu, bỏ phiếu.

QH, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.

Mặc dù có nhiều ý kiến phân tích trong quá trình thảo luận về dự thảo Nghị quyết và đề nghị bỏ các quy định hiện hành vốn là trở ngại của việc BPTN, nhưng Nghị quyết vẫn “bảo lưu” các quy định về trường hợp BPTN, như Ủy ban TVQH trình Quốc hội BPTN đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn đã nêu trên trong các trường hợp: do Ủy ban TVQH đề nghị; có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 20% trên tổng số ĐBQH; hay có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của QH.

Các trường hợp khác được đưa ra xem xét BPTN là người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số ĐBQH đánh giá là có “tín nhiệm thấp”; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp” 2 năm liên tiếp.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2013.

Bảo Cầm

>> QH thảo luận sửa đổi Hiến pháp, luật Đất đai, bỏ phiếu tín nhiệm
>> Bỏ phiếu tín nhiệm chức danh chủ chốt
>> Đề xuất chỉ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt
>> Sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt
>> Quốc hội sẽ quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tháng 10
>> Bỏ phiếu tín nhiệm như “thượng phương bảo kiếm”
>> Bỏ phiếu tín nhiệm: Chậm thực hiện là có lỗi với dân
>> “Tháo khóa, rộng cửa” để thực thi bỏ phiếu tín nhiệm
>> Đề nghị bỏ quy định 20% ĐBQH yêu cầu mới bỏ phiếu tín nhiệm
>> Kỳ họp thứ 3 Quốc hội: Sẽ đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo nhà nước, chính phủ
>> Nên bỏ phiếu tín nhiệm từ chức danh bộ trưởng
>> Công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu
>> Đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo cấp cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.