Thế nhưng, các doanh nghiệp sản xuất trong nước hầu như không thể chen chân vào chuỗi cung ứng nguyên liệu, thực phẩm cho các hãng này.
Theo thông tin từ McDonald’s VN, chỉ trong 2 ngày đầu tiên khai trương cửa hàng đầu tiên, họ đã đón tiếp tới hơn 20.000 người... Điều này một lần nữa cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường thức ăn nhanh tại nội địa. Tiếc rằng, mới chỉ có... cà chua và xà lách của VN chen chân được vào quy trình sản xuất của McDonald’s VN, hầu hết nguyên phụ liệu đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Tương tự, hơn 80% nguyên liệu sản xuất bánh Donuts ở cửa hàng Dunkin’ Donuts đầu tiên là nhập khẩu. Lotteria sau hơn 10 năm tới VN vẫn nhập khẩu 100% hai loại nguyên liệu quan trọng là khoai tây và nước xốt. Còn KFC với thâm niên 17 năm có mặt tại VN phải nhập khẩu tới 70% nguyên liệu dù mong muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa...
Lý do khiến các DN nội địa không thể tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu, thực phẩm cho các hãng đồ ăn nhanh, một thị phần được đánh giá hết sức tiềm năng với tăng trưởng trên 20% mỗi năm, là số lượng, chất lượng, mẫu mã, kích thước thiếu ổn định... không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của đối tác. Điều đáng nói là lý do này, sau gần 20 năm từ khi cửa hàng đồ ăn nhanh đầu tiên có mặt tại VN đến nay, vẫn không thay đổi. Nó cho thấy một sự trì trệ, thiếu năng động, thiếu nhạy bén và tâm lý chấp nhận đứng ngoài cuộc của rất nhiều DN liên quan. Không thể phủ nhận những tiêu chuẩn của các hãng này rất khắt khe nhưng nếu chúng ta thật sự muốn được "chia phần" trong miếng bánh ngon này không phải là không thể. Nếu các nhà sản xuất chịu tìm hiểu, có sự chuẩn bị, đầu tư nâng cấp công nghệ, tiêu chuẩn... để đáp ứng điều kiện, yêu cầu thì cục diện chắc chắn đã khác. Nhưng theo thú nhận của một nhà cung cấp nội địa, nhiều DN không đáp ứng nổi việc đảm bảo ổn định về độ dày, mỏng và kích thước của vỏ bánh, miếng thịt gà...
Nếu lấy cột mốc từ khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 thì cũng gần chục năm đã trôi qua, có vẻ như chúng ta vẫn chưa hội nhập được tiêu chuẩn, chất lượng toàn cầu. Thậm chí, trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực đến tận lúc này chúng ta vẫn xây dựng tiêu chuẩn VN. Nhìn sang nhiều ngành khác có thể nhận ra một điều, chúng ta lãng phí khá nhiều cơ hội tại thị trường nội địa. Trong lĩnh vực du lịch, bán các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm truyền thống... cho khách du lịch nước ngoài tới VN được coi là xuất khẩu tại chỗ và cũng là cách quảng bá hình ảnh, đất nước, văn hóa VN một cách hiệu quả. Nhưng rất nhiều năm qua, chi tiêu của khách quốc tế đến VN hết sức khiêm tốn so với các nước lân cận dù lượng khách đến VN đã tăng khá mạnh. Tương tự, có một thời gian dài, các DN hăm hở xuất khẩu, hăm hở với việc khai phá thị trường mới mà bỏ quên hoàn toàn thị trường nội địa.
Chúng ta đã lãng phí cơ hội "sống khỏe" tại chính sân nhà, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế kéo dài hiện nay.
Nguyên Hằng
>> ‘Nóng’ thị trường thức ăn nhanh
>> Nhanh đi bệnh viện vì thức ăn nhanh
>> Thức ăn nhanh dùng sao cho đúng?
Bình luận (0)