Chi mua áo quần bị 'cắt' 45 tỉ USD trong năm nay?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
03/04/2023 17:17 GMT+7

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng 2023 là năm thách thức của ngành dệt may khi những dự báo cho thấy, nhu cầu dệt may thế giới sẽ giảm 6 - 10%, từ 757 tỉ USD còn 712 tỉ USD, và thậm chí còn 687 tỉ USD.

Vì thế ông Hiếu kỳ vọng, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị - nguyên phụ liệu và vải (SaigonTex & SaigonFabric 2023) từ ngày 5 - 8.4 sắp tới có thể là cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước tham gia, kết nối, hợp tác, trao đổi thông tin và tìm đối tác. Sự kiện quy tụ 1.300 công ty trong lĩnh vực thiết bị dệt may, nguyên phụ liệu đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật, Mỹ, Bỉ, Czech, Đức, Hà Lan...

Chi mua áo quần bị 'cắt giảm' 45 tỉ USD trong năm nay? - Ảnh 1.

Đến nay, doanh nghệp gia công dệt may chỉ có đơn hàng hết tháng 3 và 4, mọi năm thời điểm này đã có đơn hàng hết năm

CTV

 

"Quan trọng nhất của ngành trong cách mạng 4.0 là phải tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm tối đa chi phí, tinh gọn bộ máy bằng các công nghệ hiện đại. Chúng tôi kỳ vọng ngành công nghiệp dệt may có cơ hội tiếp cận được những công nghệ tiên tiến, mở rộng giao thương, thay đổi cách nhìn và chiến lược đầu tư bền vững trong tương lai", ông Hiếu bày tỏ.

Theo VITAS, 3 tháng đầu năm, các đơn hàng ngành may giảm 2 - 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, giá gia công giảm rất sâu, nhiều doanh nghiệp chỉ có đơn hàng đến hết tháng 3, tháng 4. Trong khi mọi năm, thời điểm này đã có đơn hàng làm hết tháng 6 hoặc hết năm.

Riêng tại TP.HCM, báo cáo mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dệt may hết quý 1/2023 giảm trên 8% so với cùng kỳ. Hầu hết doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu. HUBA cho biết, khó khăn phổ biến là thiếu hụt dòng tiền, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu.

Không những thế, theo VITAS, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức trong phát triển bền vững. "Các đối tác ngày càng khắt khe hơn trong yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may, và đây chính là "bài toán lớn" cho doanh nghiệp từ năm 2023", đại diện VITAS nhấn mạnh và cho rằng, việc đa dạng hóa thị trường, sản phẩm của doanh nghiệp càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp không thể dừng lại tại một số mặt hàng truyền thống mà phải đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm thường xuyên...



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.