Chỉ muốn khỏa thân vì… người quá đau

07/06/2016 12:16 GMT+7

Có những người bị cơn đau hành hạ hơn 10 năm, điều trị đủ kiểu nhưng vẫn không dứt.

Thậm chí, cơn đau kỳ quái khiến bệnh nhân chỉ muốn khỏa thân lúc ở nhà hoặc không thể mặc quần lót khi đi ra ngoài.
Những cơn đau mạn tính kỳ lạ
Anh N.B.M. (37 tuổi, ngụ TP.HCM) hơn một năm nay tự nhiên bị những cơn đau kỳ quái, khó nói. Bất kỳ thời gian nào, cũng chẳng cần tác động gì, khu vực vùng kín của anh cứ thích… thì đau.
“Ban đầu, các biểu hiện đau rải rác ở vùng mép bẹn, rồi quanh cơ quan sinh dục, hậu môn. Rồi chỉ cần một tác động nhỏ cảm giác đau dữ dội sẽ xuất hiện. Sau thành đau mạn tính luôn”, anh M. kể.
Thậm chí, cơn đau khiến anh không thể mặc được quần lót. “Chỉ muốn khỏa thân lúc ở nhà hoặc ra đường thì chỉ mặc quần dài để hạn chế tác động, ma sát từ quần lót gây đau cho vùng kín”, anh M. cay đắng.

tin liên quan

Đau nửa đầu tăng 50% nguy cơ bệnh tim mạch
Một nghiên cứu mới cho thấy nữ bị đau nửa đầu tăng 50% nguy cơ mắc bệnh tim sau khi theo dõi 18.000 bệnh nhân đau nửa đầu trong 20 năm tại Đức và Mỹ, theo Mirror.
Qua thăm khám, xét nghiệm, kiểm tra hình ảnh của các bệnh viện thì anh không bị chấn thương hay u bướu mà bị… đau thần kinh thẹn. (Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trưởng đơn vị Điều trị đau, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết: Dây thần kinh thẹn là dây thần kinh đi từ tủy sống, chi phối chức năng của vùng bẹn, đáy chậu và bộ phận sinh dục ngoài).
Kể từ khi phát bệnh, anh M. đã “vái tứ phương” điều trị nhiều bệnh viện từ các bệnh viện ở TP.HCM qua tận Singapore và sang cả Pháp phẫu thuật. Tuy nhiên cảm giác đau chỉ giảm được một thời gian ngắn sau đó xuất hiện trở lại và đau dữ dội hơn so với trước khi phẫu thuật, khiến anh suy sụp tinh thần.
Trong khi đó, chị T.T.A. (45 tuổi) thường xuyên bị đau bụng dưới dữ dội. Qua các thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh đều không phát hiện bất thường gì.
Có trường hợp hơn 10 năm bệnh nhân bị đau từ vùng dưới ngực lan xuống chân bên phải do di chứng sau phẫu thuật cột sống.
Đau là bệnh
Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trưởng đơn vị Điều trị đau, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết: đau là dấu hiệu bệnh tật nên phải tìm nguyên nhân để chữa trị. Bên cạnh đau cấp tính, xuất hiện đột ngột do tổn thương của cơ thể thì đau mạn tính là chứng đau dai dẳng, kéo dài trên 3 tháng nhưng khó xác định được nguyên nhân nguồn gốc.
“Bệnh nhân đau mạn tính bị tác động nghiêm trọng đến chất lượng sống từ hoạt động thể lực đến học tập, ngủ nghỉ và các quan hệ xã hội; đặc biệt là những cơn đau kéo dài không rõ nguyên nhân gây tâm lý buồn phiền, trầm uất, thay đổi tâm tính”, bác sĩ Anh nói.
Những cơn đau dai dẳng nhiều năm không chữa khỏi khiến người bệnh suy sụp tâm lý - Ảnh: ShutterStock
Như anh M, hiện anh đang được điều trị tại Đơn vị Điều trị đau, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Sau gần 6 tháng điều trị nội khoa và liệu pháp tâm lý, bệnh nhân đang từng bước giảm liều điều trị bằng thuốc và tình trạng đau đã giảm khoảng 70%.
Các bệnh nhân đau mạn tính trên đều cũng phải trải qua quá trình điều trị dài, phối hợp nhiều chuyên khoa và đặc biệt là tâm lý trị liệu.
Bác sĩ Anh đánh giá: Người bệnh đau mạn tính thường đi điều trị nhiều nơi bằng các phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, sự thay đổi liên tục bác sĩ, không tuân theo một phác đồ chuẩn khiến việc điều trị không có kết quả. Cùng với đó người bệnh sẽ càng rơi vào hoang mang, tuyệt vọng.
Vì vậy, với bệnh nhân đau mạn tính, để điều trị hiệu quả, cần được bác sĩ đánh giá toàn diện về những tổn thương thể chất cũng như tổn thương tâm lý và điều trị toàn diện, kiên trì.
“Bệnh lý đau mạn tính thường tập trung ở những người trên 40 tuổi. Ước tính khoảng 65% bệnh nhân đang chết dần, chết mòn vì các bệnh không ác tính như: đau cơ - xương; đau do bệnh thần kinh; đau tạng và đau do bệnh thiếu máu hồng cầu liềm”, bác sĩ Anh cho biết.
Trong khi đó, tại nước ta, hiện lĩnh vực điều trị đau vẫn là một “khái niệm” mới với cả ngành y tế và người bệnh. Như tại TP.HCM, chỉ có các bệnh viện: Đại học Y Dược TP.HCM, Trưng Vương, FV, Sài Gòn ITO là có đơn vị chuyên điều trị đau.
Bác sĩ khuyên người dân, để hạn chế nguy cơ bệnh tật nói chung và mắc phải chứng bệnh đau mạn tính nói riêng, cần: có chế độ ăn uống khoa học, tăng cường vận động, hạn chế sử dụng các chất kích thích rượu bia, không nên hút thuốc lá…
“Trường hợp bị đau liên tục, đau kéo dài trên 3 tháng, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong thời gian điều trị, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, việc bỏ ngang quá trình sẽ khiến bệnh tái phát trở lại và có nguy cơ nặng thêm”, bác sĩ Anh nhắc nhở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.