Chị ngư dân khuyết tật

21/10/2015 09:30 GMT+7

Không có đôi chân đôi tay lành lặn nhưng chị Phan Thị Thuận (51 tuổi, thôn Thủy Diện, xã Phú An, H. Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) vẫn vượt lên tật nguyền nuôi mẹ già với nghề làm cá trên phá Tam Giang.

Không có đôi chân đôi tay lành lặn nhưng chị Phan Thị Thuận (51 tuổi, thôn Thủy Diện, xã Phú An, H. Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) vẫn vượt lên tật nguyền nuôi mẹ già với nghề làm cá trên phá Tam Giang.

Chị Phan Thị Thuận dùng xe dùng để chợ dụng cụ ra phá đi làm nghề cá - Ảnh: Tuyết KhoaChị Phan Thị Thuận dùng xe dùng để chợ dụng cụ ra phá đi làm nghề cá - Ảnh: Tuyết Khoa
Tàn mà không phế
Trong căn nhà đơn sơ bên đầm Chuồn (một phần của hệ đầm phá Tam Giang- cầu Hai), chị Thuận khiến nhiều người khâm phục khi có thể làm tất cả công việc nhà rất thuần thục dù đôi chân và đôi tay đều khuyết tật. Đặc biệt, chị còn là một ngư dân thực thụ với nghề làm tôm làm cá trên đầm phá.
Bà Nguyễn Thị Chót (71 tuổi), mẹ của chị Thuận cho biết: “Tôi mang thai nó như những người phụ nữ khác. Nhưng khi sinh ra thì thật chua xót cho con tôi. Đôi chân mất đi đôi bàn chân. Đôi tay cũng co quắp tàn tật, chỉ có một ngón tay lành lặn. Tuy rứa nhưng mấy chục năm nay nó lại là chị đầu của đàn em, là trụ cột gia đình, là chỗ dựa cuối đời của tôi”.
Trong nhà, chị Thuận lết đi khá nhanh trên đôi chân nhiều dị tật. Những khi đi chợ hay đi đâu xa, chị dùng xe lăn di chuyển, vừa nhanh vừa có thể chở đồ đạc. Đối với người dân vùng này, hình ảnh chị Thuận một thân một mình lênh đênh trên phá bắt tôm bắt cá bao nhiêu năm qua đã quá quen thuộc. Với chiếc thuyền nhỏ cùng nhiều dụng cụ, một mình chị Thuận vừa bơi vừa thả lưới, đơm cá từ đầu đêm đến sáng để kiếm mớ tôm mớ cá bán chợ sớm. “Làm rồi quen hết. Mình không đủ tay chân như người ta thì mình bơi chậm, thả lưới ít hơn. Cũng có lúc mưa gió đêm hôm bị lật ghe lật thuyền. Nhưng may được mọi người vớt. Chỉ sợ hư đồ nghề không có tiền mua lại, chứ dân vùng sông nước, ai chẳng biết bơi. Nhìn tui thế thôi, chứ tui bơi cũng được lắm”, chị Thuận chia sẻ.
Mong có sức khỏe nuôi mẹ
Chị Thuận kể, sau cơn bão lịch sử năm 1985, cư dân sống trên phá dần dần định cư trên bờ. Gia đình chị Thuận cũng lên bờ. Nhưng ít lâu sau, bố chị Thuận mất sớm vì bệnh tật. Khi ấy, chị mới ngoài 20 tuổi. Sáu người em của chị còn nhỏ dại, người em út mới lên 6 tuổi. Chị là chị cả nên phải cùng mẹ tảo tần nuôi đàn em. Không chỉ may vá lưới thuê, chị Thuận còn một mình lênh đênh trên đầm phá bắt tôm cá về bán mua gạo. Dần dần các em lớn và có gia đình riêng. Còn lại chị Thuận và mẹ nương vào nhau sống. Năm 2007, ngôi nhà lụp xụp đã được thay thế bằng ngôi nhà bê tông kiên cố nhờ sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm. Khi nhắc đến chuyện chồng con, chị Thuận chia sẻ: “Mình không lành lặn như người ta nên cũng chẳng nghĩ đến chuyện đó. Với lại hồi còn con gái, cả đàn em không có cái ăn, mẹ thì ngày càng già yếu nên chỉ biết làm lụng kiếm ít đồng nuôi em thôi”.
Hiện nay, dù đã ngoài 50 tuổi, nhưng chị Thuận vẫn rất nhanh nhẹn. Hàng đêm, chị Thuận vẫn bươn chải đi làm cá trên phá trừ nhưng khi mưa gió. “Người ta khỏe thì làm mỗi đêm có khi vài trăm ngàn. Còn mình chỉ mong mỗi đêm được vài chục ngàn là được. Chỉ mong cho sức khỏe đi làm để còn nuôi mẹ tuổi già. Còn em út cũng chẳng dư giả. Chúng nó cũng làm nghề tôm cá trên phá, lo con cái của nó cũng chật vật lắm rồi”, chị Thuận nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.