Theo Bộ KH-CN, khoa học và công nghệ tiếp tục có những đóng góp đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin...
Theo đánh giá của Bộ KH-CN, y dược là một trong số các lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu nổi bật về khoa học và công nghệ. Hiện nay Việt Nam đã làm chủ nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh nguy hiểm, góp phần cứu chữa nhiều bệnh nhân, nâng cao vị thế của y học Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như kỹ thuật ghép tạng.
Chúng ta đã ghép được hầu hết các tạng mà các nước trên thế giới đang thực hiện như: tim, gan, thận, phổi, tụy - thận (đa tạng)... Chúng ta cũng đã ghép gan thành công cho bệnh nhân suy gan với kết quả tương tự và chi phí ghép chỉ bằng 1/4 - 1/2, rẻ hơn nhiều so với bệnh nhân phải ra nước ngoài, giúp xã hội tiết kiệm lớn nguồn kinh phí.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, một số nguồn gen lần đầu tiên được nhân giống tại Việt Nam. Đặc biệt chúng ta đã sản xuất thành công (nhân giống nhân tạo) tôm mũ ni. Hiện nay trên thế giới, nhân giống nhân tạo tôm mũ ni thành công mới chỉ có 3 nước làm được là Úc, Ấn Độ, Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản và Ấn Độ mới chỉ thành công ở quy mô phòng thí nghiệm. Chỉ có Úc, và bây giờ là Việt Nam sản xuất thành công con giống tôm mũ ni.
Tuy nhiên, theo Bộ KH-CN, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia nhìn chung vẫn còn khoảng cách so với nhóm các nước phát triển. Nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, nhân lực chất lượng cao còn thiếu, nhất là chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng, các lĩnh vực công nghệ nền, công nghệ lõi, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Được biết, cả nước hiện có khoảng 184.430 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu toàn thời gian (FTE) là 7,6/10.000 dân.
Bình luận (0)