Việt Nam ghép tạng ngang tầm thế giới nhưng tỷ lệ người chết não hiến mô, tạng thấp

Lê Cầm
Lê Cầm
23/12/2024 12:19 GMT+7

Kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam ngày càng phát triển ngang bằng thế giới nhưng tỷ lệ đăng ký hiến tạng từ người hiến chết não lại rất thấp so với các nước.

Tỷ lệ ghép tạng từ người chết não rất thấp

"Những năm qua, Việt Nam đã thành công trong lĩnh vực ghép tạng giúp cứu sống nhiều người. Việt Nam có số ca ghép tạng cao nhất Đông Nam Á với hơn 1.000 ca. Tuy nhiên hiện nay khó khăn là nguồn tạng hiến rất hạn chế, chủ yếu từ nguồn cho là người sống trong khi các nước là nguồn hiến chết não", thông tin được Thầy thuốc nhân dân, Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô và cơ thể người Việt Nam, chia sẻ tại "Hội thảo truyền thông vận động hiến tặng mô, tạng" diễn ra sáng 23.12 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Phó giáo sư Tiến đánh giá cao sự nỗ lực của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong công tác ghép tạng thời gian qua, đặc biệt là kỹ thuật chia gan cứu người. Ngoài ra, bệnh viện còn là đầu mối thành lập "Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện Nam bộ" được kỳ vọng sẽ nâng số ca ghép, tăng số người cứu sống.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Việt Nam bắt đầu thực hiện ca ghép gan đầu tiên vào năm 1994, tức đi sau thế giới 41 năm nhưng trong 20 năm qua trình độ ghép gan ngang bằng thế giới. Theo thống kê, số ca ghép thận mỗi năm trung bình 1.000 ca, ghép gan trung bình 100 ca, số ca ghép tim cả nước đạt khoảng 90 ca, ghép phổi 13 ca, ghép tụy 2 ca, ghép ruột non 2 ca. Những con số này cho thấy bước tiến mạnh mẽ, rõ ràng trong ngành ghép tạng tại Việt Nam.

"Theo thống kê, số ca ghép tạng từ người hiến sống của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... Tuy nhiên so sánh về tỷ lệ ghép tạng từ nguồn hiến chết não (tính trên 1 triệu dân) thì còn quá thấp, chỉ đạt 0,15", phó giáo sư Hoàng Bắc cho hay.

Trong khi nước có tỷ lệ ghép tạng từ người cho chết não lớn nhất là Tây Ban Nha với 49 ca/1 triệu dân, Thái Lan là 6,12/1 triệu dân...

Thực tế là nguồn cho vô cùng hiếm và sự phối hợp nơi cho và nơi nhận cũng khó khăn. Do đó việc thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện Nam bộ sẽ giúp chủ động về nguồn tạng hiến cho khu vực giúp tăng số ca ghép, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân. Việc truyền thông để người dân hiểu, đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não là rất quan trọng để tăng nguồn hiến giúp cứu sống thêm nhiều người với tinh thần "Cho đi là còn mãi".

Việt Nam ghép tạng ngang tầm thế giới nhưng tỷ lệ người chết não hiến mô, tạng thấp- Ảnh 1.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ tại hội thảo

ẢNH: LÊ CẦM

"Cho đi là còn mãi" - Cuộc thi sáng tác về hiến tặng mô, tạng cứu người

Trước thực tế khó khăn về nguồn tạng hiến từ người cho chết não quá thấp, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp với Trung tâm phát triển truyền thông - Tư vấn về hiến mô, tạng và chăm sóc sức khỏe Việt Nam và các đơn vị có liên quan tổ chức Cuộc thi sáng tác tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm báo chí - chủ đề “Cho đi là còn mãi”.

Việt Nam ghép tạng ngang tầm thế giới nhưng tỷ lệ người chết não hiến mô, tạng thấp- Ảnh 2.

Biểu đồ nguồn hiến tạng từ người hiến sống và chết tại Việt Nam so với thế giới

NGUỒN: HỘI VẬN ĐÔNG HIẾN MÔ VÀ CƠ THỂ NGƯỜI VIỆT NAM

Cuộc thi nhằm tri ân những trái tim cao thượng đã hiến tạng để cứu sống được nhiều mảnh đời đang ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Cổ vũ, khích lệ người dân đăng ký hiến mô, tạng, cùng nhau hướng đến những giá trị nhân văn, tốt đẹp trong cuộc sống. Nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc đăng ký hiến tạng từ đó mang đến cho người cách hiểu đúng, chính xác về hoạt động này. Thể hiện sự cam kết và trách nhiệm to lớn của cộng đồng đối với sự phát triển của một xã hội văn minh, nơi con người đối xử với nhau một cách bình đẳng, đùm bọc và yêu thương lẫn nhau.

Thể loại các tác phẩm tham gia cuộc thi bao gồm phim ngắn, báo chí, nhiếp ảnh, âm nhạc, hội hoạ, thời trang... Các tác phẩm dự thi có thể nộp trực tiếp tại Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, số 40 P.Tràng Thi, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc thông qua email:cuocthisangtacchodilaconmai@gmail.com

Ban tổ chức bắt đầu nhận các tác phẩm dự thi bắt đầu từ ngày phát động 23.12.2024 đến trước 12 giờ ngày 30.10.2025.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.